Những lo ngại về một nền kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ làm suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu đã khiến cho giá dầu đánh mất phần lớn đà tăng được tích lũy trong nửa đầu năm 2022. Mặc dù vậy, sau khi chạm mức thấp nhất trong vòng 8 tháng vào ngày 08/09, giá dầu đang có xu hướng hồi phục trong một tuần gần đây.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/09, giá WTI tăng 1,34% lên 88,48 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 1% lên 94,1 USD/thùng.
Chất xúc tác gọi tên báo cáo tháng của IEA
Trong bối cảnh những tin tức vĩ mô xoay quanh chính sách tiền tệ thắt chặt của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới gây sức ép lên giá dầu, các yếu tố cơ bản về cán cân cung cầu một lần nữa lại thu hút sức mua quay trở lại với thị trường.
Trong báo cáo tháng 9 mới được công bố của IEA, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022 được điều chỉnh giảm 100.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng trước xuống 2 triệu thùng/ngày.
Tiêu thụ dầu thô suy yếu do các đợt “đóng cửa” chống dịch mới của Trung Quốc, tuy nhiên mức giảm được bù đắp lại bởi nhu cầu chuyển đổi từ khí sang dầu cho mục đích sưởi ấm đang tăng lên, với ước tính khoảng 700.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, việc tồn kho dầu giảm 25,6 triệu thùng trong tháng 7 cũng là một yếu tố khác giúp cho giá dầu duy trì được đà hồi phục. Đáng chú ý, tồn kho của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mặc dù tăng 43,1 triệu thùng lên 705 triệu thùng, nhưng vẫn thấp hơn 274,9 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm.
Năng lực lọc dầu của thế giới vẫn còn nhiều hạn chế
Hiện tại, môi trường kinh tế xấu đi và các đợt đóng cửa do đại dịch Covid-19 tái diễn ở Trung Quốc tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường, và làm nghiêm trọng hơn những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vận tải đường bộ giảm dần, nhu cầu đối với nhiên liệu bay và dầu diesel vẫn cao và ở trong trạng thái bị thắt chặt.
Mỹ hiện vẫn sở hữu công suất lọc dầu lớn nhất thế giới, tuy nhiên, hai quốc gia có năng lực xếp ngay sau đó lần lượt là Trung Quốc và Nga đều khó có thể đảm bảo nguồn cung các sản phẩm lọc dầu cho thế giới. Nếu như các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt làm giảm thiểu công suất lọc dầu của Trung Quốc, thì sản lượng của các nhà máy ở Nga cũng khó có thể tiếp cận người mua vì các lệnh cấm vận của phương Tây đối với nước này.
Các nước thuộc Liên minh châu Âu EU phần lớn duy trì khối lượng nhập khẩu dầu diesel của Nga ở mức khoảng 600.000 thùng/ ngày, nhưng từ tháng 2/2023, khối lượng này sẽ cần được thay thế bằng các nguồn khác.
IEA cũng cho biết, sẽ có ba dự án nhà máy lọc dầu lớn ở Kuwait, Nigeria và Mexico đi vào hoạt động vào cuối năm 2023 để gia tăng tăng khả năng cung cấp dầu diesel trên toàn cầu. Mặc dù vậy, đây vẫn là kế hoạch dài hạn được tính bằng năm, nên sẽ khó hỗ trợ cho giá dầu tránh khỏi những đợt tăng vì thiếu nguồn cung trong ngắn hạn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa đi đến hồi kết
Trong báo cáo, IEA cũng nhấn mạnh vào việc chuyển đổi từ khí đốt sang dầu để sản xuất điện ở Trung Đông và châu Âu, khi mà giá khí đốt tự nhiên và giá điện ở cả hai khu vực này đều tăng cao.
Các quốc gia thuộc EU đang phải gồng mình gánh chịu mức chi phí năng lượng gia tăng phi mã. Hiện giá khí tự nhiên tại châu Âu đã hạ nhiệt từ cuối tháng 6, tuy nhiên giá vẫn đang cao hơn khoảng 170% so với hồi đầu năm, và đang có dấu hiệu tăng trở lại.