Hàng trăm công nhân ở các giàn khoan dầu khí ngoài khơi của Nauy đã đình công hôm 11/7/2018 sau khi đề xuất về tiền lương bị từ chối. Mỏ dầu RDSa.L Knarr của Shell, có sản lượng 23.900 thùng/ngày, đã bị ngừng hoạt động. Trong khi đó, tại Iraq cũng có khoảng 100 người biểu tình để yêu sách có việc làm và các dịch vụ tốt hơn, điều này khiến cảng hàng hóa Umm Qasr gần thành phố Basra bị đóng cửa vào ngày 13/6. Giá tăng mạnh tập trung vào cuối phiên sau khi Bloomberg đưa tin chính quyền của ông Trump đang tích cực khai thác kho Dự trữ dầu chiến lược – kỳ vọng sẽ giúp bổ sung nguồn cung ra thị trường. Dự trữ của Mỹ ước khoảng 660 triệu thùng, đủ cung cấp trong vòng 3-4 tháng.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh thị trường dầu trong tuần qua là giảm giá sau khi Libya mở cửa trở lại 4 cảng dầu lớn ở bờ Đông, và khả năng Iran có thể vẫn xuất khẩu một số dầu thô sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ cân nhắc việc miễn trừ một số nước khỏi danh sách cấm nhập khẩu dầu của Iran. Lo ngại tranh chấp thương mại Mỹ-Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng cản trở các nhà đầu tư mua vào.
Về nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak khẳng định Nga và các nước sản xuất dầu mỏ lớn khác có thể tiếp tục đẩy mạnh sản lượng dầu nếu nguồn cung bị thiếu hụt. OPEC và các nhà sản xuất chính khác, trong đó Nga, vào tháng 6 đã quyết định nới lỏng thỏa thuật cắt giảm nguồn cung để thị trường bớt căng thẳng vì thiếu cung.
Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc tháng 6 giảm tháng thứ 2 liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, do lợi nhuận giảm sút và giá dầu biến động khiến một số nhà lọc dầu độc lập giảm quy mô mua vào. Số giàn khoan của Mỹ tuần này vẫn vững ở 863 giàn.
Về triển vọng thị trường, nhà phân tích Wang Tao dự báo giá dầu WTI có thể sắp chạm mức thấp mới 69,19 USD/thùng, còn Brent xuống 72,56 USD.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet