Dầu thô Brent giao sau giảm 37 cent, tương đương 0,3%, xuống 106,55 USD/thùng. Dầu thô Mỹ (WTI) giao sau giảm 33 cent, tương đương 0,3% xuống 99,55 USD/thùng.
Giá dầu biến động mạnh với những lo lắng suy thoái có thể làm suy yếu nhu cầu năng lượng.
Tồn trữ xăng của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa dự báo của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò của Reuters về mức tăng 71.000 thùng.
Dữ liệu cho thấy sản phẩm cung cấp xăng - một yếu tố đại diện cho nhu cầu - vào khoảng 8,5 triệu thùng mỗi ngày, hay thấp hơn khoảng 7,6% so với cùng thời điểm một năm trước.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Chúng tôi dự báo giá dầu Brent tương lai sẽ giảm xuống 100 USD/thùng vào quý 4 năm 2022, ngụ ý mức giảm khiêm tốn so với mức hiện tại”.
Tại Libya, National Oil Corp cho biết sản lượng dầu thô đã được phục hồi tại một số mỏ dầu, sau khi dỡ bỏ tình trạng bất khả kháng đối với xuất khẩu dầu vào tuần trước.
Thị trường xăng dầu thế giới tháng 6 biến động mạnh do có nhiều yếu tố tác động trái chiều. Theo đó, giá liên tục tăng trong nửa đầu tháng 6 bởi EU đã bước đầu thống nhất được thỏa thuận chung cho 27 thành viên để tiến hành cấm nhập khẩu dầu của Nga, điều này đã tạo ra lực mua rất mạnh trên thị trường.
Tuy nhiên, xuất hiện yếu tố trái chiều làm giá dầu giảm dần đến cuối tháng 6. Đó là chính phủ Trung Quốc áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế dịch nghiêm ngặt ngay sau khi vừa mở cửa trở lại trong đầu tháng 6 đã tác động tiêu cực lên tâm lý các nhà đầu tư. Ngày 24/6 dầu Brent đạt 113,12 USD/tấn và dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 107,62 USD/thùng, giảm 3-6%; giá xăng RON92 đạt 142,90 USD/thùng, tăng khoảng 4% so với đầu tháng 6/2022.
Trước đó giá xăng dầu tăng rất mạnh trong tháng 3/2022, giá lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2008, giá chạm đỉnh trong phiên giao dịch ngày 07/3/2022, dầu Brent chạm mức 139,13 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 143,19 USD/thùng. Giá xăng dầu đã tăng khoảng hơn 20% kể từ khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2022, giá dầu WTI và dầu Brent tăng gần 50% và xăng RON 92 tại thị trường Singapore tăng hơn 50%.
Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong tháng 6/2022:
Giá dầu thô thế giới phục hồi mạnh do nguồn cung thắt chặt khi xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn. Việc gián đoạn sản xuất ở Libya, một thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do tình hình bất ổn.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc đưa ra ngày 18/6 cho thấy xuất khẩu xăng của Trung Quốc trong tháng 5/2022 giảm 46% so với một năm trước đó và xuất khẩu dầu diesel giảm 93%.
Những yếu tố tác động giảm giá dầu trong tháng 6/2022:
Việc tăng lãi suất mạnh nhất của Fed kể từ năm 1994 khiến đồng USD mạnh lên so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác. Đồng USD mạnh hơn sẽ khiến dầu, vốn là loại hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó làm giảm nhu cầu.
Nhu cầu dầu đối mặt với triển vọng ảm đạm khi đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất của Trung Quốc buộc Chính phủ phải áp dụng các biện pháp hạn chế.
Nguồn cung
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 5/2022 giảm 0,15 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 98,75 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 5/2022 giảm 176 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 28,51 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Saudi Arabia, UAE, trong khi sản lượng giảm tại Libya, Nigeria và Iran.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong năm 2021 (gồm NGL của OPEC) tăng 0,6 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt trung bình 63,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng từ Canada, Nga và Trung Quốc. Sản lượng giảm ở Anh, Brazil, Colombia và Indonesia.
Mỹ: Sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2021 giảm 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt mức trung bình 11,21 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ năm 2021 tăng 30 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,44 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dự báo trung bình khoảng 11,8 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 4/2022 giảm 964 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 10,3 triệu thùng/ngày. Ước tính trong tháng 5/2022 đạt 9,3 triệu thùng/ngày, tăng 152 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ giảm 0,2 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 10,6 triệu thùng/ngày.
Tháng 4/2022, Tổng thống Nga tuyên bố nước này sẽ chuyển hướng xuất khẩu năng lượng, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga. Ông nhấn mạnh Nga cần bắt tay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho các nước châu Á.
Nga, nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước châu Á và Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.
Hãng Bloomberg cho biết Trung Quốc đang đàm phán với Nga để mua nguồn cung dầu bổ sung cho kho dự trữ chiến lược.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 4/2022 giảm 74 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,9 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 4/2022 giảm 82 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ giảm 8 nghìn thùng/ngày trong tháng 4/2022 so với tháng trước, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, sản lượng dẩu mỏ dự báo sẽ tăng 42 nghìn thùng/ngày đạt trung bình 2,1 triệu thùng/ngày, giảm 46 nghìn thùng/ngày so với báo cáo trước, điều chỉnh giảm chủ yếu là do sản lượng trong quý I/2022 giảm. Sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng vào quý IV/2022 khi khởi động các dự án nước ngoài mới như Nova, Hod, Njord Future, Bauge và Fenja-giai đoạn 1. Johan Sverdrup giai đoạn 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 4/2022 tăng 18 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,0 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 4/2022 tăng 9 nghìn thùng/ngày, đạt 3,7 triệu thùng/ngày. Năm 2021 sản lượng nhiên liệu lỏng đạt 3,6 triệu thùng/ngày, giảm 78 nghìn thùng/ngày so với năm 2020.
Trong năm 2022, dự báo nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,2 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 4/2022 giảm 37 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 4/2022 giảm 35 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 4,1 triệu thùng, tăng 144 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2021.
Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư theo chiến lược đã hoạch định để nâng sản lượng dầu. Trong năm 2021, sản lượng dầu mỏ tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 4,3 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, dự báo sản lượng dầu mỏ đạt 4,4 triệu thùng/ngày, tăng 112 nghìn thùng/ngày so với năm 2021.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 4/2022 giảm 138 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,6 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 4/2022 đạt 1,23 triệu thùng/ngày, giảm 0,02 triệu thùng/ngày so với tháng trước. Sau thời tiết băng giá, các nhà khai thác đã cố gắng tiếp tục hoạt động trở lại, tuy nhiên các dự án bảo trì ảnh hưởng đến sản lượng.
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2021 tăng 0,3 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt trung bình 5,5 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng chậm hơn, tăng 0,2 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,6 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 đạt 63,6 triệu thùng/ngày, tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Dự báo năm 2022 tăng khoảng 2,15 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 65,7 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2022 là Mỹ, Brazil, Canada, Kazakhstan và Na Uy, trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Indonesia và Thái Lan.
Nhu cầu
Trung Quốc: Tăng trưởng nhu cầu dầu tại Trung Quốc giảm xuống, giảm 0,75 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022, sau khi tăng nhẹ 0,1 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022 và tăng trưởng mạnh 0,5 triệu thùng/ngày trong tháng 02/2022 và 0,8 triệu thùng/ngày trong tháng 01/2022. Nhu cầu giảm do Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế do Covid-19.
Nhu cầu Naphtha tăng 0,10 triệu thùng/ngày so với năm trước do nhu cầu của ngành công nghiệp hóa dầu tăng.
Tuy nhiên, các nhiên liệu dùng cho giao thông vận tải chính đã bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại do Covid-19, nhu cầu xăng và nhiên liệu bay vẫn bị ảnh hưởng bởi việc giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lây lan biến chủng Covid mới. Theo Cục thống kê và phân tích quốc gia Trung Quốc, doanh thu trong ngành hàng không dân dụng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng gần 12% trong tháng 5/2022, từ mức thấp trong một năm trước đó, trong bối cảnh lượng tồn kho cao và việc áp dụng các biện pháp hạn chế do COVID-19 và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nước mua dầu thô hàng đầu thế giới đã nhập khẩu 45,83 triệu tấn vào tháng 5, tương đương 10,79 triệu thùng/ngày (bpd), tăng so với 10,5 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2022 và mức trung bình năm 2021 là 10,3 triệu thùng/ngày.
Nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn của Trung sẽ tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 0,4 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu trong quý II/2022 sẽ chỉ tăng 0,3 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu dịch Covid được kiểm soát hoàn toàn, mùa du lịch hè sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu.
Ấn Độ: Các hoạt động xã hội - kinh tế của Ấn Độ tăng trở lại từ khi các biện pháp hạn chế do Covid-19 được dỡ bỏ đã hỗ trợ cho nhu cầu xăng dầu.
Trong năm 2021, nhu cầu dầu của Ấn Độ phục hồi đáng kể, gần mức đạt được trước đại dịch vào năm 2019, được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù những lo ngại về lạm phát đang được chính phủ giải quyết. Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,2% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu dự kiến sẽ phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha, nhu cầu về nhiên liệu máy bay sẽ tăng chậm.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tiếp tục vẫn duy trì vững trong tháng 3/2022 so với tháng 3/2021, trước những căng thẳng địa chính trị trong khu vực, tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, tương đương 9%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của OECD châu Âu, bao gồm cả sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Do đó nhu cầu dầu mỏ dự đoán sẽ tăng được hỗ trợ bởi lĩnh vực giao thông vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,9 triệu thùng/ngày, trong đó nhu cầu dầu của OECD tăng 2,6 triệu thùng/ngày và khu vực ngoài OECD tăng 3,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
Nhu cầu dầu trong năm 2022 tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,2 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Trong quý I/2022, nhu cầu dầu thế giới ghi nhận mức tăng mạnh, chủ yếu do kinh tế hồi phục mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế do Covid-19. Các điều chỉnh nhu cầu giảm trong quý II, III và IV năm 2022 dựa trên dự báo kinh tế hiện tại có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ thế giới.
 
 
 

Nguồn: VITIC/Reuter