Dầu thô Brent giảm 5 cent, tương đương 0,1%, xuống 74,69 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 4 cent, tương đương 0,1%, xuống 72,35 USD/thùng.
Tuy nhiên, một số lo lắng về nhu cầu nhiên liệu vẫn còn, khi nhu cầu xăng ở Mỹ và châu Âu bắt đầu đi xuống. Các nhà phân tích lưu ý rằng trên toàn cầu, mức nhu cầu sẽ không được như trước đại dịch cho đến năm sau nếu tình trạng nhiễm virus corona vẫn gia tăng và tốc độ tiêm chủng chậm lại.
Tổ chức Y tế Liên Mỹ cho biết COVID-19 tiếp tục gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho châu Mỹ, trong đó Argentina, Colombia, Cuba, Ecuador và Paraguay nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tử vong hàng tuần cao nhất thế giới.
Giá dầu đã tăng 44% trong năm nay nhờ sự phục hồi nhu cầu và hạn chế nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC +.
Theo Viện Dầu mỏ Mỹ (API), tồn trữ dầu thô của nước này giảm 4,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/7, trong khi tồn trữ xăng giảm 6,2 triệu thùng. Những con số này đều cao hơn mức dự kiến của các nhà phân tích (theo kết quả thăm dò của Reuters, các nhà đầu tư ước tính tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 2,9 triệu thùng và dự trữ xăng giảm 900.000 thùng).
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố số liệu chính thức về dự trữ dầu của Mỹ. Ông Stephen Brennock thuộc công ty môi giới PVM cho biết: “Chất xúc tác này (số liệu về tồn trữ dầu của Mỹ) có thể thúc đẩy giá dầu tiếp tục chuỗi những phiên tăng giá kéo dài”.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn mạnh mẽ, mặc dù hầu hết các nhà kinh tế trong các cuộc thăm dò của Reuters đều lo lắng về các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% cho năm 2021, nâng triển vọng đối với các nền kinh tế giàu nhưng lại hạ dự báo đối với các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng.
OPEC + đã đồng ý tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8, đưa nguồn cung dần trở về mức bình thường. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng mức tăng đó là quá thấp bởi nhu cầu năm nay dự kiến sẽ hồi phục mạnh.
Ông Naeem Aslam thuộc công ty môi giới trực tuyến Avatrade cho biết: “Nguồn cung dầu có khả năng vẫn khan hiếm ngay cả khi OPEC + tăng sản lượng”.
Yếu tố cản trở đà tăng giá dầu lúc này là biến thể Delta. Theo Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại trung tâm Price Futures Group ở Chicago, lúc này dường như biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang "kìm hãm" thị trường dầu mặc dù tất cả dấu hiệu hiện tại đều cho thấy nguồn cung bị thắt chặt đáng kể. Số ca nhiễm coronavirus ngày càng tăng trên toàn thế giới, bất chấp các chương trình tiêm chủng. Nước Anh báo cáo số người chết và số người phải nhập viện vì Covid-19 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Ba. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến nghị những người Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ nên đeo khẩu trang trong nhà. Mỹ cũng đã ban hành cảnh báo du lịch đối với các địa điểm Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vì số ca nhiễm Covid-19 gia tăng. Thành phố đăng cai Olympic, Tokyo, cũng cảnh báo số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục ngay cả khi các vận động viên tiếp tục thi đấu.
Mới đây nhất, Commerzbank hôm 23/7 cho biết thị trường dầu có thể thiếu hụt nhẹ nguồn cung cho đến tận cuối 2021, mặc dù sản lượng tăng dần, đặc biệt từ các nước OPEC+ và lo ngại số ca nhiễm Covid-19 tăng có thể làm cho nhu cầu chậm lại. Tuy nhiên, Commerzbank cho rằng yếu tố khó lường không chỉ là dịch bệnh, mà còn là mức tăng sản lượng dầu thực tế của OPEC+ - có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung trong năm tới.
Trong khi đó, Bank of America Global Research cho biết họ vẫn dự đoán giá dầu sẽ chạm mức 100 USD/thùng trong năm tới, trên cơ sở nguồn cung thâm hụt 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2021, và thiếu 400.000 thùng/ngày vào năm 2022.
Giá dầu thế giới gần đây có xu hướng tăng. Nhiều nhà phân tích đã nâng dự báo về giá dầu từ nay đến cuối năm, trên cơ sở tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng lên sẽ hạn chế tác động của virus biến thể Delta.
Theo Jeffrey Halley thuộc công ty môi giới OANDA: “Sự hồi phục mạnh mẽ của giá dầu khiến tôi ngạc nhiên”, trong khi ông Stephen Brennock thuộc công ty môi giới dầu PVM cũng cho biết: “Rõ ràng các nhà đầu cơ đang quay trở lại với dầu”, song thêm rằng: “Nhưng điều đó không có nghĩa là mối lo ngại về virus đã hoàn toàn biến mất”.
Các nhà phân tích của ANZ Research trong một thông báo mới đây cho biết thị trường dầu mỏ bắt đầu cảm thấy mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày của OPEC+ sẽ không đủ để giữ cho thị trường cân bằng, khi mà lượng dầu tồn kho ở Mỹ và khắp các nước OECD sẽ tiếp tục giảm.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Ngân hàng Commonwealth cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tin rằng giá dầu sẽ tăng vào cuối năm 2021 khi nhu cầu dầu tăng nhanh hơn tốc độ tăng cung”. Ngân hàng này dự báo giá dầu Brent sẽ tăng lên 85 USD/thùng vào quý IV/2021.
Ngân hàng Anh quốc Barclays hôm 22/7 đã nâng dự báo về giá dầu năm 2021 thêm 3-5 USD/thùng với nhận định tồn trữ dầu sẽ tiếp tục giảm khi các nền kinh tế phục hồi.
Theo Barclays: “Giá dầu có thể tăng lên 100 USD/thùng trong những tháng tới nếu OPEC + quá chậm chạp trong việc khôi phục nguồn cung do phản ứng tương đối kém linh hoạt đối với nguồn cung ngoài OPEC +.
Trên thực tế, Bộ trưởng Năng lượng Nga ngày 22/7 cho biết nước này có thể bắt đầu cấm xuất khẩu xăng trong tuần tới nếu giá nhiên liệu trên sàn giao dịch trong nước vẫn ở mức hiện tại, cho thấy dấu hiệu nguồn cung dầu mỏ hạn chế hơn trong tương lai.
Ngân hàng này dự báo giá dầu thô Brent trung bình 69 USD/thùng trong năm nay, tăng từ 66 USD dự báo trước đó, và 68 USD vào năm 2022. Trong khi đó, giá dầu WTI năm nay sẽ trung bình 67 USD/thùng, tăng từ 62 USD dự báo trước đây, và năm tới sẽ đạt 65 USD/thùng.
Ngân hàng Goldman hôm 20/7 đã hạ dự báo giá dầu Brent quý III năm nay xuống 75 USD/thùng do lo ngại biến chủng Delta làm giảm mạnh nhu cầu.
Trong báo cáo lần này, ngân hàng dự báo mức thâm hụt trong quý III là 1,5 triệu thùng/ngày, ít hơn mức thiếu hụt 1,9 triệu thùng/ngày trước đó. Tuy nhiên, Goldman kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 80 USD/thùng trong quý IV/2021, cao hơn mức 75 USD dự báo trước đó, với mức thiếu hụt trong quý IV được cho là sẽ ở mức 1,7 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, con đường hồi phục của giá dầu vẫn còn nhiều trở ngại. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nền kinh tế này đang ở “một thời điểm quan trọng khác” với các ca bệnh Covid-19 một lần nữa leo thang và giường bệnh tại một số bệnh viện đã kín bệnh nhân.
Trong một diễn biến khác, số ca nhiễm ở Pháp đã tăng hơn gấp đôi trong tuần qua, và Hàn Quốc đã phải mở rộng phạm vi giãn cách xã hội khi số ca nhiễm tăng cao kỷ lục.
Giá dầu đã hồi phục, song “Điều đó không có nghĩa là sự lạc quan về nhu cầu đã trở lại hoàn toàn. Tâm lý nhà đầu tư sẽ vẫn dễ bị tổn thương bởi lo lắng về dịch bệnh. Nói chung, điều đó sẽ giữ cho giá dầu không biến động quá xa so với hiện tại”, Vandana Hari, người sáng lập công ty Vanda Insights tại Singapore, cho biết.
Về nguồn cung dầu, không chỉ đơn giản là thị trường sẽ bổ sung 400.000 thùng/ngày từ OPEC+ kể từ tháng 8 tới. Nguồn cung từ nay đến cuối năm có thể sẽ đến từ Iran, nếu Tehran cố gắng đạt được thỏa thuận hạt nhân cho phép các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu thô của họ được dỡ bỏ.