Dầu thô Brent giao tháng 8 tăng 40 US cent, tương đương 0,3%, lên 120,97 USD/thùng, sau khi đóng cửa vào thứ Ba ở mức cao nhất kể từ ngày 31/5.
Dầu thô Mỹ giao tháng 7 ở mức 120,01 USD/thùng, tăng 60 cent, tương đương 0,5%, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 8/3 trong phiên trước đó.
Theo các nhà phân tích dự đoán tồn kho dầu thô của Mỹ giảm, mặc dù dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất có thể tăng cao.
Nhà phân tích Edward Moya của OANDA cho biết: "Thị trường dầu dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vì nguồn cung tồn kho thấp. Tồn kho dầu thô có thể sẽ giảm nhiều hơn khi mùa lái xe và kỳ nghỉ hè.
Tuy nhiên, số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô và các sản phẩm dầu của Mỹ đã tăng trong tuần trước.
Ngân hàng Thế giới hôm thứ Ba đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022, cảnh báo rằng việc căng thẳng Nga và Ukraine đã gây ra thiệt hại kép do đại dịch COVID-19 và nhiều quốc gia hiện đang phải đối mặt với suy thoái.
Trong khi đó, nguồn cung dầu thô và sản phẩm dầu toàn cầu vẫn eo hẹp, thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận dầu diesel của các nhà máy lọc dầu châu Á lên mức kỷ lục.
Giám đốc điều hành của công ty thương mại toàn cầu Trafigura cho biết giá dầu có thể sớm chạm mức 150 USD/thùng và tăng cao hơn trong năm nay.
Hầu hết các nhà máy lọc dầu trên toàn cầu đã hoạt động gần hết công suất để đáp ứng nhu cầu gia tăng từ việc phục hồi đại dịch và để thay thế nguồn cung bị mất của Nga.
Các nhà phân tích của JP Morgan ước tính rằng Nga đã cắt giảm khoảng 500.000 đến 700.000 thùng mỗi ngày xuất khẩu các sản phẩm dầu.
Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã tăng hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm dầu đợt đầu tiên nhằm mục đích giảm lượng hàng tồn kho cao trong nước, vốn đã tăng lên khi các đợt áp dụng biện pháp hạn chế đi lại đã làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, mặc dù có những bổ sung mới nhất cho hạn ngạch, khối lượng vẫn thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Nhu cầu dầu thế giới:

Trung Quốc: Tăng trưởng nhu cầu dầu tại Trung Quốc giảm xuống, chỉ tăng 0,1 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022, sau khi tăng trưởng mạnh 0,5 triệu thùng/ngày trong tháng 02/2022 và 0,8 triệu thùng/ngày trong tháng 01/2022. Nhu cầu giảm do Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế do Covid-19.
Nhu cầu LPG và Naphtha tăng 0,16 triệu thùng/ngày và 0,13 triệu thùng/ngày so với năm trước do nhu cầu của ngành công nghiệp hóa dầu tăng.
Tuy nhiên, các nhiên liệu dùng cho giao thông vận tải chính đã bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại do Covid-19, nhu cầu xăng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,10 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu về nhiên liệu bay vẫn bị ảnh hưởng bởi việc giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lây lan biến chủng Covid mới. Theo Cục thống kê và phân tích quốc gia Trung Quốc, doanh thu trong ngành hàng không dân dụng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 4/2022 tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp việc phong tỏa do dịch COVID-19 làm giảm sản lượng tại các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, khiến nhu cầu nhiên liệu suy giảm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước mua dầu thô hàng đầu thế giới này đã nhập khẩu 43,03 triệu tấn, tương đương 10,5 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2022, tăng so với 9,82 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2021 và 10,06 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2022.
Sản lượng của các nhà máy lọc dầu trong tháng 4/2022 ước tính đã giảm khoảng 6%. Đây là mức giảm chưa từng được ghi nhận kể từ những ngày đầu của đại dịch COVID-19.
Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn của Trung sẽ tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 0,4 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu trong quý II/2022 sẽ chỉ tăng 0,3 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu dịch Covid được kiểm soát hoàn toàn, mùa du lịch hè sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu.
Ấn Độ: Các hoạt động xã hội - kinh tế của Ấn Độ tăng trở lại từ khi các biện pháp hạn chế do Covid-19 được dỡ bỏ đã hỗ trợ cho nhu cầu xăng dầu.
Trong năm 2021, nhu cầu dầu của Ấn Độ phục hồi đáng kể, gần mức đạt được trước đại dịch vào năm 2019, được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù những lo ngại về lạm phát đang được chính phủ giải quyết. Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,2% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu dự kiến sẽ phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha, nhu cầu về nhiên liệu máy bay sẽ tăng chậm.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tiếp tục vẫn duy trì vững trong tháng 02/2022 so với tháng 02/2021 trước những căng thẳng địa chính trị trong khu vực, tăng 1,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của OECD châu Âu, bao gồm cả sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Do đó nhu cầu dầu mỏ dự đoán sẽ tăng được hỗ trợ bởi lĩnh vực giao thông vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt với Nga có thể gây ra một “cú sốc” về nguồn cung trên toàn cầu.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Cơ quan này cho rằng khả năng gián đoạn trên quy mô lớn trong hoạt động sản xuất của Nga do các lệnh trừng phạt diện rộng cũng như việc các công ty tránh mua dầu của Nga đang đe dọa gây ra một cú sốc về nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,9 triệu thùng/ngày, trong đó nhu cầu dầu của OECD tăng 2,6 triệu thùng/ngày và khu vực ngoài OECD tăng 3,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
Nhu cầu dầu trong năm 2022 tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,2 triệu thùng/ngày, thấp hơn 0,2 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng trước. Trong quý I/2022, nhu cầu dầu thế giới ghi nhận mức tăng mạnh, chủ yếu do kinh tế hồi phục mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp hạn chế do Covid-19. Các điều chỉnh nhu cầu giảm trong quý II, III và IV năm 2022 dựa trên dự báo kinh tế hiện tại có khả năng ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ thế giới.
 
 
 

Nguồn: VITIC/Reuter