-Giá dầu thô sẽ dao động quanh mức 80 - 85 USD/thùng trong tháng 4/2024.
- OPEC tiếp tục giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu năm 2024 sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày, lên mức 104,4 triệu thùng/ngày.
Tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi những tác động gần đây của cuộc tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Nga đối với nguồn cung toàn cầu, có ít nhất 7 nhà máy lọc dầu của Nga đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Các cuộc tấn công này đã làm giàm công suất lọc dầu của Nga khoảng 7%, tương đương khoảng 370.500 thùng/ngày.
Tuy nhiên giá đã xu hướng giảm trở lại trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25-5,50%. Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất khoảng 0,75 điểm phần trăm vào cuối năm 2024. Hơn nữa, nhu cầu xăng yếu hơn của Mỹ là các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường dầu.
Ngày 22/3, giá dầu Brent đạt mức 85,43 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 80,63 USD/thùng và xăng RON92 đạt 100,08 USD/thùng, giá xăng dầu đã tăng khoảng 2-3% so với cuối tháng 02/2024.
Trong năm 2023, giá dầu thô Brent và dầu thô Mỹ giảm khoảng 3-6%; xăng RON92 giảm 1%.
Nguồn cung
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu thế giới tăng gần 340.000 thùng/ngày (bpd) trong tháng 2/2024 lên 101,9 triệu thùng/ngày do sản lượng tăng ở Mỹ, Canada và Libya.
Việc tăng sản lượng trong sản xuất ở Mỹ và Canada sau đợt rét đậm ở Bắc Cực và sự gia tăng ở mỏ dầu lớn nhất Libya, sau tình trạng bất ổn buộc mỏ phải đóng cửa vào đầu năm nay.
Sản lượng từ 12 thành viên của OPEC tăng 203.000 thùng/ngày lên 26,57 triệu thùng/ngày. Sản lượng tăng chủ yếu ở Libya và Nigeria, trong khi sản lượng giảm Iran và Iraq giảm.
Trong năm 2023, nguồn cung dầu của OPEC đạt 27,009 triệu thùng/ngày, giảm 716 nghìn thùng/ngày so với năm 2022.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC năm 2023 tăng 2,5 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt 69,5 triệu thùng/ngày. Dự báo nguồn cung dầu năm 2024 đạt 70,5 triệu thùng/ngày, tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2023. Những nước tăng trưởng sản lượng dự kiến ở Canada, Brazil và Na Uy, trong khi dự báo sản lượng giảm ở Nga và Mexico.
Mỹ: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 20/3 công bố báo cáo cho thấy lượng dầu thô dự trữ tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này đã bất ngờ giảm trong tuần trước đó. Mặc dù lượng xăng dự trữ giảm tuần thứ bảy liên tiếp (giảm 3,3 triệu thùng xuống 230,8 triệu thùng), lượng tiêu thụ xăng - đại diện cho nhu cầu về sản phẩm này - lại giảm xuống dưới ngưỡng 9 triệu thùng.
Theo ông Bob Yawger, người phụ trách thị trường năng lượng kỳ hạn tại ngân hàng Mizuho, sự sụt giảm cho thấy xăng dầu có thể đã bị mua vào quá mức. Trong khi đó, đây vốn là nền tảng cho đợt phục hồi thị trường gần đây. Ông Yawger cho biết thêm, giá dầu cũng chịu áp lực bởi những xác nhận rằng Mỹ đã soạn thảo một nghị quyết trình lên Liên hợp quốc nhằm kêu gọi ngừng bắn tại dải Gaza.
Ngược lại, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên triển vọng sẽ cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay đã phần nào xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Vì lãi suất thấp hơn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là tin tốt cho doanh số bán dầu.
Trung Quốc: Năm 2023, Trung Quốc đã sản xuất hơn 390 triệu tấn dầu và khí đốt, trong đó có 208 triệu tấn dầu thô, khoảng 4,18 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu do Cơ quan Năng lượng Quốc gia.
Trong năm 2024, sản lượng dầu thô của Trung Quốc dự kiến đạt trung bình 4,6 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu
Theo OPEC, tăng trưởng nhu cầu dầu thô trên thế giới năm 2024 tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, lên trung bình 104,4 triệu thùng/ngày, với mức tăng trưởng của OECD khoảng 0,25 triệu thùng/ngày và các nước không thuộc OECD khoảng 2,0 triệu thùng/ngày.
Mỹ: Bộ Năng lượng Mỹ ngày 14/3 thông báo đang tìm cách mua 3 triệu thùng dầu cho Kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR), trong bối cảnh một địa điểm lưu trữ tạm ngừng để bảo trì đã làm giảm tốc độ bổ sung kho dự trữ. Số lượng dầu được mua trên sẽ được giao vào tháng 8 và tháng 9/2024. Bộ Năng lượng Mỹ đã đưa ra các lời chào mời để mua 1,5 triệu thùng dầu bổ sung cho kho dự trữ Bayou Choctaw, Louisiana đã được bảo trì trong năm nay.
SPR có tổng cộng bốn địa điểm lưu trữ dầu trên bờ biển của hai bang, nơi máy bơm và các thiết bị bằng thép khác thường xuyên tiếp xúc với môi trường có độ ẩm và độ mặn cao. Việc bảo trì kéo dài tuổi thọ tại các địa điểm Bayou Choctaw và Bryan Mound, Texas trong năm nay đã làm chậm quá trình bổ sung SPR sau khi chính phủ của Tổng thống Joe Biden tiến hành đợt bán 180 triệu thùng lớn nhất từ trước đến nay từ SPR vào năm 2022. Đợt bán hàng đó là một nỗ lực để giá dầu giảm sau khi xung đột tại Ukraine xảy ra.
Chính phủ Mỹ muốn mua lại dầu ở mức 79 USD/thùng và nếu giá tăng cao hơn, điều này có thể gây khó khăn trong việc bổ sung dầu cho SPR.
Trung Quốc: Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm khoảng 5,7% xuống 10,8 triệu thùng/ngày trong hai tháng đầu năm 2024, so với mức 11,44 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023, theo S&P Global Commodity Insights. Nguyên nhân sụt giảm có thể xuất phát từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần tại quốc gia tỷ dân.
Năm 2023, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc có lúc đạt đỉnh vào tháng 8 với mức 12,43 triệu thùng/ngày, theo Reuters.
Trung Quốc linh hoạt trong nhập khẩu dầu thô
Triển vọng chung về nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc vẫn bị chi phối bởi động lực tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thành phẩm. Thêm vào đó, giá dầu thô cũng là yếu tố quyết định quan trọng trong những tháng gần đây.
Giá dầu thô tăng cao trong những tuần gần đây có thể trở thành lực cản đối với nhập khẩu của Trung Quốc từ quý II/2024 trở đi. Có vẻ như phần lớn lượng dầu thô cập bến tháng 3 đã được mua sẵn từ nhiều tuần trước, còn các chuyến hàng tháng 4 và tháng 5 sẽ phải chịu mức giá cao hơn so với cuối tháng 1.
Mặt khác, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã tỏ ý sẵn sàng hạn chế nhập khẩu khi giá dầu tăng quá nhanh hoặc quá cao và họ chấp nhận giảm lượng tồn kho cho đến khi thấy giá dầu hợp lý hơn.
Một yếu tố khác là xuất khẩu các sản phẩm tinh chế của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2024 đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc đạt 8,82 triệu tấn trong hai tháng đầu năm, tương đương khoảng 1,18 triệu thùng/ngày, thấp hơn 31,4% so với mức 1,72 triệu thùng/ngày trong cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà máy lọc dầu bị hạn chế về khối lượng do thiếu hạn ngạch, và có khả năng khối lượng xuất khẩu của họ sẽ tăng trong những tháng tới khi hạn ngạch được giải phóng và họ tận dụng tỷ suất lợi nhuận vẫn dương ở châu Á đối với mặt hàng dầu diesel và xăng.
Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn, trong đó có các thành viên OPEC+, đang kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi đà tăng trưởng, từ đó thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu tăng hơn và điều này có thể khiến các nhà máy lọc dầu Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu khối lượng dầu thô cao hơn, ngay khi giá dầu vẫn trên mức 80 USD/thùng.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu thô của Ấn Độ trong năm 2023 ở mức 5,3 triệu thùng/ngày, tăng 0,23 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Dự báo trong năm 2024, hoạt động sản xuất diễn ra mạnh, trong bối cảnh Ấn Độ đề xuất tăng chi tiêu vốn cho xây dựng của chính phủ dự kiến sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu của Ấn Độ trong quý 1 năm 2024. Trong quý 1/2024, nhu cầu dầu dự đoán sẽ tăng ở mức 227 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2022. Sản phẩm chưng cất được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng nhu cầu dầu, được hỗ trợ bởi các hoạt động khai thác, xây dựng và sản xuất. Ngoài ra, hàng năm các lễ hội truyền thống và dòng khách du lịch dự kiến sẽ hỗ trợ hoạt động vận tải và thúc đẩy nhu cầu xăng và máy bay.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Ngày 14/3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng nhiều hơn dự kiến do triển vọng kinh tế Mỹ tươi sáng hơn và nhu cầu nhiên liệu tăng do các tàu chở hàng phải đi đường vòng tránh qua Biển Đỏ.
IEA dự báo nhu cầu dầu trên thế giới sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn 110.000 thùng/ngày so với mức dự báo trong báo cáo thị trường tháng trước. Các tàu thương mại đang phải thực hiện những hành trình dài hơn và tốn kém hơn quanh mũi phía nam châu Phi để tránh các cuộc tấn công tại Biển Đỏ của lực lượng Houthi ở Yemen.
IEA nhận định tình trạng gián đoạn các tuyến vận tải thương mại quốc tế do khủng hoảng ở Biển Đỏ đang làm tăng quãng đường vận chuyển cũng như tốc độ di chuyển của tàu, khiến nhu cầu nhiên liệu tăng. Bên cạnh đó, theo IEA, việc nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu toàn cầu. Tiêu thụ dầu tại Mỹ đang trên đà đi lên nhờ gia tăng các hoạt động hóa dầu.
Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu hằng năm vẫn thấp hơn nhiều so với mức 2,3 triệu thùng/ngày năm 2023, nhờ hiệu quả sử dụng năng lượng tăng và việc sử dụng xe điện. Theo dự báo, tổng nhu cầu dầu sẽ tăng từ 101,8 triệu thùng/ngày năm 2023 lên 103,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024.
Dự báo của OPEC: Trong báo cáo thị trường dầu mỏ hàng tháng công bố ngày 12/3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên các mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay, với nhận định đà tăng trưởng khởi sắc hơn của các nền kinh tế Mỹ và Ấn Độ.
Báo cáo mới nhất của OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới trong năm 2024 và 2025 sẽ lần lượt ghi nhận 2,2 triệu thùng/ngày và 1,8 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với các mức dự báo được đưa ra trong báo cáo tháng trước.
Trong báo cáo tháng Ba, OPEC đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay lên 2,8%, từ mức dự báo tăng 2,7% được đưa ra trước đó, nhờ hoạt động kinh tế tăng mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.
Theo đánh giá của OPEC, Mỹ, Ấn Độ và Brazil ở một chừng mực nhất định, đã có đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, trong khi các nền kinh tế Trung Quốc và Nga đều tăng trưởng ổn định vào khoảng thời gian cuối năm ngoái, còn kinh tế của Eurozone và Nhật Bản lại ghi nhận sự suy giảm.
Tuy nhiên, OPEC đã chỉ ra một số dấu hiệu báo trước sự phục hồi tăng trưởng kinh tế tiềm tàng ở cả Eurozone và Nhật Bản, cho thấy một xu hướng tăng trưởng khởi sắc sẽ tiếp tục diễn ra trong quý 1/2024.
OPEC dự báo sản lượng dầu thô năm 2024 của các nước ngoài OPEC sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày, giảm 120.000 thùng/ngày so với dự báo được đưa ra tháng trước, chủ yếu do các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện trong quý II/2024 được gia hạn.
Trong tháng Ba, một số thành viên của liên minh giữa OPEC và các nhà sản ngoài khối, còn gọi là OPEC+, gồm Saudi Arabia, UAE và Kuwait, đã thông báo gia hạn các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày như một phần trong nỗ lực hỗ trợ sự cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
Đồng USD mạnh lên khiến dầu mỏ trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các tiền tệ khác, làm giảm nhu cầu dầu.
Căng thẳng ở Đông Âu, đặc biệt là những diễn biến leo thang trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng là một trong những nhân tố hạn chế đà giảm của giá dầu.