Mức độ tuân thủ với cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC giảm xuống 78% trong tháng 6 từ mức 95% trong tháng 5, do sản lượng cao hơn mức cho phép từ Algeria, Ecuador, Gabon, Iraq, UAE và Venezuela bù lại mức tuân thủ mạnh từ Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và Angola.
IEA trụ sở tại Paris cho biết “mỗi tháng có điều gì đó làm tăng sự nghi ngờ về tốc độ của quá trình tái cân bằng. Trong tháng này có hai khó khăn: sự phục hồi đáng kể trong sản lượng dầu mỏ của Libya và Nigeria, và mức tuân thủ thấp hơn với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC”.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và một số nhà sản xuất ngoài OPEC gồm cả Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng khoảng 1.8 triệu thùng/ngày cho đến hết tháng 3/2018 để giàm lượng dầu thô dư thừa toàn cầu do sản lượng của Mỹ tăng mạnh.
Libya và Nigeria hai thành viên của OPEC được miễn trừ khỏi thỏa thuận do nhiều năm bất ổn đã làm giảm sản lượng của họ. IEA cho biết hai thành viên này đã tăng sản lượng của họ tổng cộng hơn 700.000 thùng/ngày trong những tháng gần đây.
Việc cắt giảm đã giúp giá dầu ổn định quanh 45 – 50 USD/thùng, nhưng giá đã bị sức ép giảm mới trong những tuần gần đây, do sản lượng của Mỹ tăng và có ít bằng chứng tồn kho toàn cầu đang giảm từ mức cao kỷ lục trên 3 tỷ thùng.
IEA, cơ quan tư vấn cho các quốc gia công nghiệp hóa về chính sách năng lượng, cho biết tăng trưởng nhu cầu mạnh trong nửa cuối năm 2017 và trong năm 2018 sẽ tăng tốc việc tái cân bằng thị trường. Họ cho biết nhu cầu đối với dầu thô OPEC được dự báo tăng ổn định trong năm 2017 và đạt 33,6 triệu thùng/ngày trong quý 4, tăng 1 triệu thùng so với sản lượng của OPEC trong tháng 6. Họ cho biết “với điều kiện OPEC tuân thủ mạnh với việc cắt giảm, điều này sẽ hàm ý tồn kho giảm mạnh, ngay cả nếu Libya và Nigeria tiếp tục phục hồi”.
IEA cho biết tồn kho tại các quốc gia công nghiệp hóa trong tháng 5 cao hơn 266 triệu thùng so với mức trung bình 5 năm, giảm từ 300 triệu thùng trong tháng 4. Số liệu sơ bộ cho thấy tồn kho tiếp tục giảm trong tháng 6.
Cơ quan này cũng cho biết trong khi các nhà sản xuất ngoài OPEC như Mỹ, Canada và Brazil đã trở lại mô hình tăng trưởng, sự sụt giảm gần đây trong giá dầu có thể buộc một số nhà sản xuất đánh giá lại triển vọng của họ.
IEA cho biết “các số liệu tài chính cho thấy trong khi sản lượng có thể đang tăng, lợi nhuận là không có và các báo cáo gần đây cho thấy các nhà điều hành của công ty hàng đầu nói rằng giá dầu cần ở mức khoảng 50 USD/thùng để duy trì tăng trưởng sản lượng”.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet