Thị trường xăng dầu thế giới tháng 03/2023 giảm. Ngày 24/3 dầu Brent ở mức 74,41 USD/thùng và dầu thô Mỹ (WTI) đạt 68,69 USD/thùng; giá xăng RON92 đạt 92,44 USD/thùng, so với đầu tháng giá dầu Brent và WTI giảm hơn 10%; xăng RON 92 giảm khoảng 2%. Trước đó, giá dầu chạm mức thấp nhất trong 15 tháng trong phiên 20/3, do khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng sau khi hai ngân hàng của Mỹ phá sản và Credit Suisse được ngân hàng lớn nhất của Thụy Sỹ là UBS cứu trợ. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 3/2023, giá dầu Brent và WTI giảm khoảng 12%; xăng RON 92 giảm khoảng 5%.
Trong năm 2022, giá xăng dầu biến động rất mạnh, giá tăng mạnh kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, giá chạm đỉnh trong phiên giao dịch ngày 07/3/2022, dầu Brent chạm mức 139,13 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 143,19 USD/thùng. Trong 3 tháng đầu năm 2022 giá xăng dầu đã tăng khoảng 60%. Sau đó giá giảm dần trở lại đến cuối năm và gần như xóa sạch mọi sự tích lũy từ đầu năm 2022. Tính chung trong năm 2022 giá dầu Brent, dầu thô Mỹ (WTI) và xăng RON 92 tăng khoảng từ 4-6%.
Những yếu tố tác động giá dầu giảm:
Giá dầu ghi nhận mức giảm lớn nhất sau sụp đổ của các ngân hàng lớn tại Mỹ bắt đầu từ ngày 10/3 và cuộc khủng hoảng của Credit Suisse tại châu Âu.
Số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) ngày 21/3 cho hay dự trữ dầu thô của nước này đã tăng khoảng 3,3 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/3. Thông tin này trái ngược với dự báo chỉ giảm khoảng 1,6 triệu thùng từ các nhà phân tích của hãng tin Reuters.
Nhưng sự giải cứu khẩn cấp với ngân hàng Credit Suisse đã hỗ trợ giá dầu.
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 02/2023 tăng 0,6 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 101,9 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 02/2023 tăng 117 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 28,92 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Nigeria, Saudi Arabia và Congo, trong khi sản lượng giảm tại Angola và Iraq giảm.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 02/2023 tăng 0,5 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt 73 triệu thùng/ngày, tăng 2,4 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mỹ: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2022 tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt mức trung bình 19 triệu thùng/ngày, tăng 44 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ dự kiến tăng 0,6 triệu thùng/ngày, đạt mức 11,8 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,8 triệu thùng/ngày đạt 12,6 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 01/2023 giảm 36 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 11,2 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,8 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,4 triệu thùng/ngày khí NGL). Sản lượng dầu thô trong tháng 02/2023 ở mức 9,8 triệu thùng/ngày.
Năm 2022 sản lượng dầu mỏ tăng thêm 0,2 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt mức trung bình 11 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với báo cáo tháng trước. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,7 triệu thùng/ngày xuống mức 10,3 triệu thùng/ngày, điều chỉnh tăng 152 nghìn thùng/ngày so với báo cáo tháng trước do sản lượng cao hơn dự kiến trong quý I/2023.
Nga- nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước châu Á và Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 01/2023 vẫn duy trì ở mức 2 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của NaUy trong tháng 01/2023 giảm 15 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ đạt 0,2 triệu thùng/ngày, không thay đổi so với tháng trước đó.
Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ giảm 140 nghìn thùng/ngày đạt trung bình 1,9 triệu thùng/ngày, điều chỉnh giảm chủ yếu là do sản lượng trong quý IV/2022 giảm. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt 2,1 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 01/2023 tăng 181 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,3 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 01/2023 tăng 217 nghìn thùng/ngày, đạt 4,0 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,1 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới. Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 3,9 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 01/2023 tăng 193 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 01/2023 tăng 185 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,2 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày, tăng 151 nghìn thùng/ngày so với năm trước đó. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu đợt đầu tiên của năm 2023 đối với các sản phẩm dầu tinh chế lên 18,99 triệu tấn, tăng 46% so với 13 triệu tấn một năm trước đó. Diễn ra sau đợt phát hành lớn 13,25 triệu tấn vào tháng 9, khi chính phủ tìm cách củng cố nền kinh tế bằng cách khuyến khích các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh hoạt động và hưởng lợi từ lợi nhuận xuất khẩu.
Trong năm 2023 dự báo sản lượng dầu mỏ đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày.
 

Nguồn: VITIC/Reuter/OPEC