-Theo số liệu của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 11/2022 tăng 43 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 101,5 thùng/ngày.
- Dự báo nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC năm 2023 tăng 1,54 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt 67,1 triệu thùng/ngày.
Thị trường xăng dầu thế giới tháng 12/2022 biến động mạnh, giá tăng trở lại từ giữa tháng đến cuối tháng. Giá dầu thế giới tăng khoảng 3 USD/thùng vào thứ Sáu (23/12), đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp sau khi Moscow cho biết họ có thể cắt giảm sản lượng dầu thô để đáp ứng với mức trần giá G7 đối với xuất khẩu của Nga. Dầu thô Brent ở mức 83,92 USD, tăng 2,94 USD hay 3,6%, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 79,56 USD/thùng, tăng 2,07 USD hay 2,7%. Cả hai loại dầu đều ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 10/2022.
Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu từ 5% đến 7% vào đầu năm 2023 khi nước này phản ứng với việc áp dụng giá trần, hãng tin RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết hôm thứ Sáu.
Xuất khẩu dầu Baltic của Nga có thể giảm 20% trong tháng 12 so với tháng trước sau khi Liên minh châu Âu áp đặt giá trần đối với dầu thô của Nga từ ngày 5 tháng 12, theo tính toán của các thương nhân và Reuters.
Leon Li, nhà phân tích tại công ty tài chính CMC Markets (Anh), cho biết: "Khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và các cơn bão mùa đông đổ bộ vào Mỹ, nhiệt độ lạnh dự kiến sẽ kéo dài và nhu cầu về dầu sưởi sẽ tăng cao".
Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến trong tuần tính đến ngày 16/12 do nhập khẩu giảm mạnh, với tồn trữ giảm 5,9 triệu thùng xuống 418,2 triệu thùng so với dự báo giảm 1,7 triệu thùng.
Tuy nhiên, lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất và chính sách của Trung Quốc liên quan đến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng – có thể làm giảm nhu cầu.
Eli Tesfaye, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho biết: “Khả năng cắt giảm từ Nga có thể tiếp thêm động lực cho những người đầu cơ giá lên. "Nếu nhu cầu toàn cầu tiếp tục ở tốc độ hiện tại, việc cắt giảm đó có thể có tác động đáng kể và giá dầu có thể ở trong phạm vi 80 USD/thùng."
Cả nhu cầu và sản lượng dầu thô có thể sụt giảm trong vài ngày tới do ngừng hoạt động bởi cơn bão mùa đông lớn đổ bộ qua một vùng rộng lớn của Mỹ. Một số nhà máy lọc dầu lớn nhất của Mỹ đã đóng cửa do thời tiết quá lạnh trong khi sản lượng ở Texas và Bắc Dakota bị đình trệ.
Giá xăng Mỹ RBc1 và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp đều tăng hơn 5% do dự kiến cắt giảm sản lượng lọc dầu và nhu cầu dầu sưởi tăng.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo cho biết ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự kiến giá có thể tăng trở lại trên 100 USD/thùng vào năm tới do Nga cắt giảm sản lượng và nới lỏng các hạn chế liên quan đến COVID ở Trung Quốc.
Xuất khẩu dầu Baltic của Nga trong tháng Mười Hai có thể giảm 20% so với tháng trước sau khi Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) áp đặt lệnh trừng phạt và mức giá trần đối với dầu thô của Nga từ ngày 5/12.
Trong năm 2022, giá xăng dầu biến động rất mạnh, giá tăng mạnh kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra, giá chạm đỉnh trong phiên giao dịch ngày 07/3/2022, dầu Brent chạm mức 139,13 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 143,19 USD/thùng. Trong 3 tháng đầu năm giá xăng dầu đã tăng khoảng 60%. Sau đó giá giảm dần trở lại đến cuối năm và gần như xóa sạch mọi sự tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay.
Giá dầu tăng mạnh do xung đột giữa Nga và Ukraine, làm tăng thêm những lo ngại về nguồn cung dầu gián đoạn. Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến cho dòng chảy dầu trên thế giới có những sự thay đổi nhất định. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) vẫn là một nhà sản xuất dầu lớn, tuy nhiên, năng lực dự phòng của nhóm cũng có giới hạn và rất khó có thể bù đắp khoảng trống mà Nga để lại.
Nếu như trước đây, Nga là một đối tác thương mại lớn của khu vực châu Âu, thì hiện nay, Nga đã phải tiến hành đa dạng hóa khách hàng và tập trung nhiều hơn cho khu vực châu Á. Tuy nhiên, các lệnh cấm vận của châu Âu và việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga sẽ là sức ép lớn và có thể buộc nước này phải cắt giảm sản lượng dầu, trong bối cảnh số lượng người mua giảm bớt, và khó có thể bảo đảm đủ số lượng tàu để chở dầu.
Giá dầu tăng trong nhiều phiên cuối tháng 12, nhờ đồng USD suy yếu và hy vọng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ tăng sau khi nước này nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới dịch COVID-19.
Ngoài ra những yếu tố tác động giảm giá dầu:
Nhu cầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới Trung Quốc vẫn bị đình trệ bởi các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19, trong khi các ngân hàng trung ương cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất để khống chế lạm phát đã nâng đỡ đồng USD đi lên, khiến hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư.
Niềm tin đã trở nên mong manh khi tất cả các số liệu kinh tế của các nước lớn gần đây đều đánh đi tín hiệu về một kịch bản suy thoái, đặc biệt là tại Anh và Khu vực đồng euro (Eurozone). Bên cạnh đó, những bình luận cứng rắn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng của kinh tế Mỹ.
Nguồn cung dầu thô khan hiếm ở châu Âu đã giảm bớt, khi các nhà máy lọc dầu đẩy mạnh dự trữ khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12, gây áp lực lên các thị trường dầu thô trên khắp châu Âu, châu Phi và Mỹ.
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 11/2022 tăng 43 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 101,5 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 11/2022 giảm 744 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 28,83 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Nigeria và Angola, trong khi sản lượng giảm tại Saudi Arabia, UAE và Iraq.
Nguồn cung của khu vực ngoài OPEC:
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC (gồm NGL của OPEC) tháng 11/2022 tăng 0,8 triệu thùng/ngày, đạt 72,7 triệu thùng/ngày, tăng 2,1 triệu thùng/ngày so với cùng tháng năm trước.
Mỹ: Sản lượng dầu mỏ của Mỹ năm 2022 dự kiến tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt mức trung bình 19 triệu thùng/ngày, tăng 44 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Sản lượng dầu thô và khí ngưng tụ dự kiến tăng 0,6 triệu thùng/ngày, đạt mức 11,8 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2023, sản lượng dầu thô dự báo tăng 0,8 triệu thùng/ngày đạt 12,6 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 11/2022 giảm 15 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 11,1 triệu thùng/ngày (bao gồm 9,7 triệu thùng thùng/ngày sản lượng dầu thô và 1,3 triệu thùng/ngày khí NGL).
Năm 2022 sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng thêm 160 nghìn thùng/ngày so với năm trước, đạt mức trung bình 11 triệu thùng/ngày, tăng 26 nghìn thùng/ngày so với dự báo tháng trước. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo giảm 0,85 triệu thùng/ngày xuống mức 10,1 triệu thùng/ngày.
Nga- nước chiếm khoảng 10% sản lượng dầu toàn cầu, đã và đang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước châu Á và Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - nhằm đa dạng hóa điểm đến của năng lượng xuất khẩu, vượt ra khỏi các thị trường truyền thống ở châu Âu.
Na Uy: Sản lượng dầu mỏ của Na Uy trong tháng 10/2022 tăng 118 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 2 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 10/2022 tăng 106 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ tăng 12 nghìn thùng/ngày trong tháng 10/2022 so với tháng trước, đạt 0,2 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, sản lượng dẩu mỏ dự kiến sẽ giảm 35 nghìn thùng/ngày đạt trung bình 1,9 triệu thùng/ngày, điều chỉnh giảm chủ yếu là do sản lượng trong quý IV/2022 giảm. Năm 2023, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,3 triệu thùng/ngày, đạt 2,2 triệu thùng/ngày, với việc triển khai giai đoạn 2 của mỏ dầu lớn Johan Sverdrup sẽ là nguồn tăng sản lượng chính.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 10/2022 tăng 96 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,2 triệu thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 10/2022 tăng 91 nghìn thùng/ngày, đạt 3,9 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, dự kiến nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,1 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,7 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới. Trong năm 2023, nguồn cung nhiên liệu lỏng bao gồm cả nhiên liệu sinh học dự báo tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 3,9 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 10/2022 tăng 39 nghìn thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 4,4 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 10/2022 tăng 41 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt 4,0 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ ước đạt trung bình 4,5 triệu thùng/ngày, tăng 151 nghìn thùng/ngày so với năm trước đó. Trung Quốc đặt ra kế hoạch 5 năm (2021-2025) duy trì sản lượng dầu mỏ trên 4 triệu thùng/ngày.
Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 1,15 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2022, giảm so với mức xuất khẩu 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2022 và 1,23 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2022, nhưng vẫn tăng mạnh nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 10/2022 tăng 18 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,8 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô truyền thống trong tháng 10/2022 đạt 1,25 triệu thùng/ngày, tăng 15 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Sau thời tiết băng giá, các nhà khai thác đã cố gắng tiếp tục hoạt động trở lại.
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2022 tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 5,6 triệu thùng/ngày. Trong năm 2023 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng 0,2 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,8 triệu thùng/ngày. Sản lượng gia tăng chủ yếu đến từ mỏ cát dầu của tỉnh Alberta, nơi có mức sản lượng trung bình 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2022 đạt 65,57 triệu thùng/ngày, tăng 1,89 triệu thùng/ngày so với năm 2021. Dự báo năm 2023 tăng khoảng 1,54 triệu thùng/ngày so với năm 2022, đạt trung bình 67,11 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2023 là Mỹ, Brazil, Canada, Kazakhstan và Na Uy, trong khi sản lượng dầu dự kiến giảm chủ yếu ở Nga và Mexico.

Nhu cầu dầu:

Trung Quốc: Trung Quốc áp dụng chiến lược Không COVID (Zero COVID) đẩy các công ty và người lao động vào nguy cơ đóng cửa nhanh chóng, đóng băng các hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tác động mạnh lên nhu cầu dầu ở Trung Quốc. Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2022, sau khi phục hồi trong tháng 9/2022, tăng 0,6 triệu thùng/ngày. Mặc dù bị ảnh hưởng Covid-19 nhu cầu dầu diesel vẫn tăng 0,7 triệu thùng/ngày chủ yếu do nhu cầu của ngành công nghiệp và lĩnh vực hóa dầu tăng.
Nhu cầu xăng giảm 0,39 triệu thùng/ngày trong tháng 10/2022, từ mức giảm 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng 9/2022. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiếp tục chậm lại do hạn chế của đại dịch.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 10/2022, nhập khẩu 10,16 triệu thùng/ngày (bpd), cao nhất kể từ tháng 5 và tăng 14% so với cùng tháng năm 2021.
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhập khẩu dầu thô để bổ sung kho dự trữ hoạt động cho hai nhà máy lọc dầu mới do giá dầu thấp hơn so với các tháng trước. Nhập khẩu dầu thô cũng được tăng cường nhờ việc cấp thêm hạn ngạch cho các nhà máy lọc dầu độc lập, trong đó Zhejiang Petrochemical Corp được cấp 10 triệu tấn, tương đương khoảng 73 triệu thùng, và ChemChina nhận được khoảng 32 triệu thùng.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và thường là nhà cung cấp hàng đầu của Trung Quốc, cũng hạ giá bán chính thức (OSP) cho các lô hàng vận chuyển trong tháng 10, điều này có thể khuyến khích các nhà máy lọc dầu mua thêm dầu.
Hạn ngạch bổ sung có thể sẽ thúc đẩy nhập khẩu trong quý IV/2022 khi các nhà máy lọc dầu tăng cường mua hàng để sử dụng đầy đủ lượng phân bổ của họ.
Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn của Trung đã tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 chỉ tăng 0,4 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Trong quý I/2023 dự đoán nhu cầu dầu sẽ giảm 55 nghìn thùng/ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ấn Độ: Nhu cầu dầu của Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trong tháng 10/2022, tăng 0,1 triệu thùng/ngày so với năm trước đó, đạt 4,7 triệu thùng/ngày. Nhu cầu xăng dầu được hỗ trợ mạnh bởi kinh tế tăng trưởng kể từ khi nới lỏng các hạn chế Covid-19.
Nhu cầu xăng dầu được thúc đẩy bởi hoạt động, sản xuất kinh doanh các ngành công nghiệp. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,1% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu đã phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha. Các lễ hội hàng năm trong quý IV/2022 sẽ thúc đẩy nhu cầu xăng dầu. Với mức tăng trưởng dự kiến 6,5% trong quý I/2023, hoạt động kinh tế và xã hội kỳ vọng sẽ duy trì ổn định, nhu cầu dầu dự báo tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm trước. Nhu cầu xăng dự đoán là sản phẩm tăng mạnh nhất trong quý I/2023, sau đó là diesel.
OECD Châu Âu: Tiêu thụ xăng dầu trong khu vực giảm 60 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng trước đó. Hoạt động hàng không vẫn duy trì đà tăng 78,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên hoạt động sản xuất trong khu vực tiếp tục suy yếu do hoạt động kinh tế chậm lại và tỷ lệ lạm phát trong khu vực đồng euro tiếp tục tăng và đã đạt kỷ lục mới vào tháng 9 khi lên đến 10,9%. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi khu vực đồng tiên chung được thành lập. So với tháng 8, tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 đã vượt quá dự đoán của các nhà phân tích, những người đã tính toán mức tăng trưởng chỉ đạt tối đa 9,7%. Trong đó, giá năng lượng đã tăng 2,2% so với tháng trước.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2011, trước tình hình giá tiêu dùng tăng mạnh, lãi suất cơ bản đã tăng. Vào tháng 9, ngân hàng này đã tăng lãi suất 0,75% lên 1,25%, một mức chưa từng có trong lịch sử.
Dự báo GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chậm lại từ tốc độ tăng trưởng 2,0% trong quý 3/2022 xuống còn 0,5% trong quý 4/2022, do ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế chậm lại, căng thẳng địa chính trị, hoạt động sản xuất thương mại ảnh hưởng đến nhu cầu dầu của khu vực.
Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý I/2023 dự kiến sẽ không cải thiện do tăng trưởng GDP của khu vực sẽ giảm. Ngoài ra, giá năng lượng tăng, căng thẳng địa chính trị và gián đoạn nguồn cung là nguyên nhân dẫn tới nhu cầu dầu mỏ sẽ chậm lại.
Dự báo của OPEC: Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhận định nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 2,55 triệu thùng/ngày, tương đương 2,6%, viện dẫn những thách thức kinh tế ngày càng lớn, trong đó có lạm phát và lãi suất cao.
OPEC cho rằng nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý 4/2022. Các rủi ro bao gồm lạm phát cao, các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ nợ công cao tại nhiều khu vực, thị trường lao động ngày càng thu hẹp và những hạn chế kéo dài của chuỗi cung ứng.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 có thể tăng thêm 2,6 triệu thùng/ngày, đạt 99,6 triệu thùng/ngày. Theo OPEC, bên cạnh những rủi ro, vẫn còn nhiều nhân tố tích cực tác động đến kinh tế. Vì vậy, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 và 2023.
OPEC cho rằng triển vọng kinh tế có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn giải pháp cho vấn đề địa chính trị tại Đông Âu có thể tác động đến lạm phát, giúp giảm bớt việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Báo cáo này được đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC cùng các đối tác (OPEC+) vào ngày 4/12 tới nhằm thống nhất chính sách.

Nguồn: VITIC/Reuters/OPEC