Theo khảo sát của Reuters, OPEC đã bơm 32,64 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 7/2018, tăng 70.000 thùng/ngày so với mức đã điều chỉnh trong tháng 6 và cao nhất trong năm nay với việc bổ sung thêm Congo.
OPEC và các đồng minh trong tháng 6/2018 đã đồng ý tăng nguồn cung do Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các nhà sản xuất bù cho sụt giảm bởi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống lại Iran và để giảm giá dầu, trong năm nay giá dầu đã đạt 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Ngày 22-23/6, OPEC, Nga và các nhà sản xuất khác ngoài OPEC đã đồng ý trở lại mức tuân thủ 100% theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 1/2017, sau nhiều tháng sản xuất yếu kém ở Venezuela và những nơi khác đã thúc đẩy mức tuân thủ trên 160%.
Saudi Arabia cho biết quyết định này sẽ chuyển thành tăng sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày. Sự tuân thủ của tập thể OPEC theo mục tiêu nguồn cung đã giảm xuống 111% trong tháng 7 từ mức đã điều chỉnh 116% trong tháng 6, nghĩa là họ vẫn cắt giảm nhiều hơn so với thỏa thuận.
Tiếp sau quyết định của OPEC, Kuwait và UAE đã nâng sản lượng lần lượt 80.000 thùng/ngày và 40.000 thùng/ngày trong tháng 7.
Phần lớn sự gia tăng nguồn cung của Saudi Arabia đã được xuất trong tháng 6 do Riyadh khai thác các bể chứa để tăng nguồn cung thành 10,6 triệu thùng/ngày, gần mức cao kỷ lục. Sự gia tăng này đã làm Iran tức giận và các thành viên OPEC khác bất ngờ.
Riyadh đã tăng tiếp sản lượng 50.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với mức trong tháng 6 đã điều chỉnh, vì nhu cầu dầu thô trong nước tại các nhà máy lọc dầu và nhà máy điện đã tăng trong khi xuất khẩu giữ gần mức trong tháng 6.
Sản lượng tại Nigeria, thường bị hạn chế bởi tình trạng mất điện bất ngờ, đã tăng 50.000 thùng/ngày. Liên doanh Nigeria của Royal Dutch Shell đã đưa tuyên bố bất khả kháng về xuất khẩu dầu thô Bonny Light.
Nigeria và Libya được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung ban đầu.
Iraq cũng tăng nguồn cung do xuất khẩu tăng từ các kho cảng miền nam của nước này.
Trong số các nước có sản lượng giảm, Iran là nước có sản lượng giảm lớn nhất 100.000 thùng/ngày. Xuất khẩu giảm do các lệnh trừng phạt của Mỹ không khuyến khích các công ty mua dầu của Iran.
Sản lượng tại Libya, vẫn biến động do bất ổn, đã giảm. Các mỏ tại miền đông Libya phục hồi sản xuất sau một bế tắc tại các kho cảng xuất khẩu kết thúc, nhưng sản lượng đã giảm vào giữa tháng tại mỏ Sharara, mỏ lớn nhất của Libya.
Sản lượng cũng giảm tại Venezuela, nơi ngành dầu mỏ thiếu tiền vì khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu tại Angola giảm một lần nữa trong tháng 7 bởi sự sụt giảm tự nhiên tại các mỏ.
Ngoài ra Cộng hòa Congo tham gia OPEC trong tháng 6/2018 đã bổ sung 320.000 thùng/ngày cùng với sự gia tăng sản lượng của các thành viên hiện có đã nâng sản lượng của OPEC trong tháng 7/2018 lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.
Trước khi Congo gia nhập, OPEC có mục tiêu sản lượng năm 2018 là 32,78 triệu thùng/ngày, dựa trên chi tiết cắt giảm cuối năm 2016 và dự kiến mức sản lượng của Nigeria, Libya cho năm 2018.
Theo khảo sát này, sản lượng của OPEC không tính Congo thấp hơn mục tiêu 460.000 thùng/ngày trong tháng 7/2018.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet