Dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn giao sau của Mỹ ở mức 68,47 USD/thùng, giảm 25 US cent hay 0,4% so với mức đóng cửa phiên trước. Dầu thô Brent giảm 17 US cent hay 0,4% xuống 77,0 USD/thùng. Sự suy yếu của các thị trường mới nổi đang đè nặng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, giai đoạn bình luận về khả năng thuế mới của Mỹ với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc kết thúc vào ngày hôm nay, với dự đoán Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ áp thuế bổ sung.
Do Trung Quốc và các thị trường mới nổi toàn cầu là các khu vực tăng trưởng nhu cầu chính đối với các thị trường dầu mỏ, các nhà phân tích cho biết giá dầu thô đã bị áp lực giảm.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới kỳ hạn Forex cho biết “triển vọng nguồn cung tăng từ OPEC và các đồng minh của họ, và nhu cầu yếu hơn từ Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác có thể gây sức ép hơn nữa tới giá dầu trong tương lai, hay ít nhất hạn chế khả năng tăng”. Ông bổ sung thêm “một phần, điều này do sức mạnh của đồng USD, gây áp lực lớn cho tiền tệ của thị trường mới nổi, gồm đồng CNY, do đó đã làm tăng chi phí của tất cả các hàng hóa định giá bằng đồng USD”.
Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu dầu vẫn mạnh ít nhất tại Mỹ.
Theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, dự trữ dầu thô ở Mỹ giảm trong tuần trước do các nhà máy lọc dầu tăng cường sản xuất trong bối cảnh tiêu thụ mạnh. Dự trữ dầu thô giảm 1,17 triệu thùng xuống 404,5 triệu thùng trong tuần tính tới 31.8/2018, trong khi hoạt động lọc dầu tăng 198.000 thùng/ngày.
OPEC cho biết họ dự kiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vượt mức 100 triệu thùng/ngày lần đầu tiên vào cuối năm nay.
Trong khi đó, có những lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Iran bắt đầu từ tháng 11/2018 sẽ siết chặt nguồn cung toàn cầu.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet