Vì sao tín phiếu của Kho bạc Nhà nước lại phát hành qua Sở Giao dịch NHNN?

Theo giải thích của các thành viên thị trường, Sở Giao dịch NHNN là nơi giao dịch các loại giấy tờ có giá ngắn hạn (dưới một năm). Đây là công cụ được NHNN dùng khi cần bơm/hút tiền về nhanh để điều tiết thị trường tiền tệ, giữ cân bằng cho cung tiền trong nền kinh tế. Tín phiếu mà NHNN phát hành không phải để chi tiêu và đối tượng mua/bán là các ngân hàng thương mại (không có các công ty bảo hiểm và các quỹ đầu tư).

Còn tín phiếu kho bạc đang được phát hành là để hút tiền về cho ngân sách chi tiêu, thường là trong ngắn hạn và hạch toán trong năm tài khóa đó. Nếu để chi tiêu trong dài hạn Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài. Không rõ việc hạch toán giữa NHNN và Bộ Tài chính ra sao song việc NHNN phát hành tín phiếu kho bạc nhà nước không phải là thông lệ quốc tế.

Có ý kiến cho rằng việc này không thể diễn ra lâu dài mà chỉ là giải pháp tạm thời cho ngân sách trong tình hình khó khăn hiện nay. Trước sau gì tín phiếu kho bạc cũng phải quay trở lại nơi thích hợp với nó. Bởi vì tín phiếu kho bạc được xếp vào nhóm “trái phiếu chính phủ”, với sứ mệnh là công cụ để Chính phủ vay tiền cho ngân sách chi tiêu, từ xưa đến nay chỉ phát hành qua kênh riêng của Bộ Tài chính là qua Kho bạc Nhà nước và cụ thể hơn là qua chợ thị trường trái phiếu chính phủ tập trung do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) là “ban quản lý chợ”.

Vì sao ngân sách phải đi đường vòng này để huy động tiền từ ngân hàng thương mại? Bởi vì Bộ Tài chính phải tìm nguồn bù đắp ngắn hạn cho chi tiêu của ngân sách. Các ngân hàng thương mại, người mua lớn nhất trái phiếu chính phủ hiện nay đang thừa tiền, song lại không thể tài trợ cho ngân sách bằng kênh chính thức là đấu thầu trái phiếu chính phủ qua HNX bởi Nghị quyết 78 năm 2014 của Quốc hội yêu cầu Bộ Tài chính chỉ phát hành trái phiếu dài hạn với kỳ hạn tối thiểu là năm năm.

Từ cuối năm 2014, khi trái phiếu chính phủ chỉ bán ra kỳ hạn 5-15 năm, khối lượng được mua giảm hẳn. Tính từ đầu năm tới giữa tháng 6-2015, kết quả huy động chưa đạt một phần ba kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ cả năm.

Bộ Tài chính đã mở ra kênh tín phiếu kho bạc như là một sự nỗ lực xoay xở để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho ngân sách. Sự nỗ lực này đã đem đến kết quả. Với sự tiếp sức của kênh tín phiếu kho bạc mới này, tính đến ngày 29-6-2015, Bộ Tài chính đã huy động khoảng 115.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển, đạt khoảng 46% kế hoạch năm.

Thời gian tới, kênh huy động này sẽ còn nhộn nhịp bởi các ngân hàng đã và đang có nhu cầu rất mạnh đầu tư vào các loại tín phiếu kho bạc nhà nước phát hành qua NHNN trong khi bản thân NHNN giảm hẳn khối lượng tín phiếu NHNN phát hành qua sở giao dịch của mình, dường như là để “nhường đường” cho ngân sách.

Nhưng còn những băn khoăn ở đây. Trước đó, Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương đưa ra định nghĩa “trái phiếu chính phủ” là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.

Nghị định này nêu rõ các loại trái phiếu chính phủ gồm có: 1. Tín phiếu kho bạc, là loại trái phiếu chính phủ có kỳ hạn 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần và đồng tiền phát hành là đồng Việt Nam. Các kỳ hạn khác của tín phiếu kho bạc do Bộ Tài chính quyết định tùy theo nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường nhưng không vượt quá 52 tuần; 2. Trái phiếu kho bạc là loại trái phiếu chính phủ có kỳ hạn từ một năm trở lên và đồng tiền phát hành là đồng tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi...

Rõ ràng tín phiếu kho bạc đang phát hành là một loại trái phiếu chính phủ và đó là cách vận dụng sáng tạo để “lách” Nghị quyết 78 của Quốc hội!

Nghị quyết 78 không thể duy trì mãi được vì nó đi ngược lại thị trường. Bộ Tài chính nhìn rõ điều đó và đang tìm cách thay đổi. Trong báo cáo sáu tháng đầu năm mới phát hành, Bộ Tài chính cho biết họ đang “kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn năm năm thay cho việc chỉ phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ năm năm trở lên như quy định tại Nghị quyết số 78/2014”. Thị trường đang hy vọng. Bởi vì họ hiểu rằng “tập trung phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn năm năm” tức là trái phiếu bán ra thị trường tuy chủ yếu là kỳ hạn năm năm song vẫn còn những kỳ hạn ngắn hơn khác, gồm hai, ba hay bốn năm.

Theo Hồng Phúc
Thời báo kinh tế Sài Gòn

Nguồn: TBKTSG