Như bài viết trước trên VnEconomy, Thông tư 15 đã “đánh” vào tình trạng dồn lực cầu và găm giữ ngoại tệ. Đây là chính sách cấp bách sau những biến động vừa qua.

Tỷ giá đã giảm nhanh

Cụ thể, tháng 8 và 9, tỷ giá biến động mạnh, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán trong tương lai đã dồn mua trước và găm giữ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá có thể tiếp tục tăng lên.

Theo đó, lẽ ra nhu cầu ngoại tệ trải ra trong tương lai, nhưng vì phản ứng trên lại dồn về cùng thời điểm và gây áp lực tỷ giá.

Thông tư 15 có hiệu lực ngay ngày 5/10, quy định: với các nhu cầu thanh toán ngoại tệ trong phạm vi hai ngày làm việc, ngân hàng được bán giao ngay; trường hợp nhu cầu thanh toán sau từ 3 ngày trở lên, ngân hàng chỉ được phép bán ngoại tệ kỳ hạn cho doanh nghiệp.

Như vậy, một mặt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai được đẩy về tương lai, tránh dồn về cùng thời điểm hiện nay mà gây áp lực tỷ giá. Mặt khác, với cơ chế trong Thông tư 15, doanh nghiệp chuyển đổi vốn ngoại tệ cần thanh toán lúc này còn có lợi hơn, là tiền tươi thóc thật.

Ở cả hai mặt đó, Thông tư 15 dường như đã điểm trúng huyệt của một bộ phận lớn đang găm giữ ngoại tệ. Tỷ giá giảm nhanh trong những ngày đầu tiên thực hiện Thông tư 15 là một biểu hiện đáng chú ý.

Trong Thông tư 15, Ngân hàng Nhà nước đã quy định rõ giới hạn mức tỷ giá kỳ hạn tối đa, như một biện pháp kỹ thuật để bảo vệ doanh nghiệp, tạo điều kiện để có lợi và kích thích họ chuyển đổi.

Theo Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), đối với khách hàng có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai, thay vì găm giữ ngoại tệ và mất chi phí cơ hội lớn, họ có thể bảo hiểm rủi ro tỷ giá thông qua bán ngoại tệ lấy VND để gửi lấy lãi, rồi mua ngoại tệ kỳ hạn.

Như vậy, thu nhập của doanh nghiệp từ lãi VND không những có thể đủ bù đắp chi phí mua kỳ hạn mà còn có thể đem lại lợi nhuận cho mình.

Đảm bảo bằng tiền

Lấy ví dụ, doanh nghiệp có 1 triệu USD và sẽ phải thanh toán sau 1 tháng. Lãi suất VND hiện phổ biến 4,5%/năm, giả định tỷ giá giao ngay 22.475 VND/USD.

Nếu doanh nghiệp lựa chọn giữ USD trên tài khoản cho đến hạn thanh toán, doanh nghiệp sẽ mất chi phí cơ hội khoảng 84,3 triệu VND (tương đương mức lãi suất 4,5%/năm trên số tiền 1 triệu USD quy đổi ra VND).

Nếu doanh nghiệp bán 1 triệu USD lấy VND gửi lấy lãi và mua USD giao dịch kỳ hạn 1 tháng với điểm kỳ hạn 2 đồng/ngày, doanh nghiệp được hưởng lãi 24,3 triệu VND.

Cụ thể, doanh nghiệp được hưởng lãi tiền gửi VND là 84,3 triệu VND, chi phí mua kỳ hạn là 60 triệu VND, lợi nhuận có được là 24,3 triệu VND và đảm bảo có 1 triệu USD sau một tháng nữa để thanh toán.

Nếu doanh nghiệp chờ càng đến gần thời hạn thanh toán để mua ngoại tệ, chi phí mua kỳ hạn càng thấp (do số ngày giảm) và lợi nhuận của doanh nghiệp càng tăng.

Nếu đến thời hạn thanh toán mới mua giao ngay, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bảo toàn được mức 84,3 triệu VND đó, tương đương số lãi tiền gửi tiết kiệm. Dĩ nhiên, điều này phụ thuộc vào biến động tỷ giá sau một tháng nữa - điều mà Ngân hàng Nhà nước đang thể hiện quyết tâm giữ ổn định.

Trong ví dụ và tính toán trên, cam kết giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước và niềm tin vào cam kết đó, với phản ứng găm giữ của nhu cầu thanh toán hiện nay, được tính toán bằng tiền.

Trong một tình huống khác, với những tính toán và so sánh trên, nếu tỷ giá đi xuống như vừa thể hiện hai ngày đầu tuần này, triển vọng sinh lời của các doanh nghiệp đã quyết định chuyển đổi so với găm giữ hiện nay sẽ càng lớn hơn.

Dĩ nhiên, những tính toán trên chỉ tham khảo tương đối, với doanh nghiệp đang găm giữ ngoại tệ với lãi suất 0% để thanh toán trong tương lai, tương lai “những tháng cuối năm 2015 và đầu 2016” mà Ngân hàng Nhà nước đã hai lần khẳng định giữ ổn định tỷ giá.

Còn với những quyết định găm giữ ngoại tệ không vì mục đích để phải thanh toán trong tương lai, mà theo đầu tư hoặc tích trữ tài sản, chi phí cơ hội và kỳ vọng tùy thuộc vào tính toán của họ.

Theo Minh Đức
VnEconomy

Nguồn: VnEconomy