Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vừa được chấp thuận đưa vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng với đồng USD, EUR, yen Nhật và bảng Anh, bắt đầu có hiệu lực từ 1/10/2016. Để nhìn nhận sự kiện này sẽ tác động thế nào đến chính sách tỷ giá, việc thanh toán, dự trữ của các doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực bên ngoài hành lang một cuộc hội thảo mới đây.

 TS. Cấn Văn Lực chuyên gia tài chính ngân hàng

Thưa ông, ông nhận định thế nào về tình hình tỷ giá, lãi suất năm 2016 trước bối cảnh FED đang dự định tăng lãi suất và đồng nhân dân tệ được "quốc tế hóa"?

Mặt bằng lãi suất năm 2016 về cơ bản sẽ đi ngang, tức là khả năng tăng giảm không cao. Thứ nhất, trong năm tới, áp lực lạm phát có thể tăng trở lại bất cứ lúc nào trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn, giá cả hàng hóa có thể tăng trở lại, trong đó có cả giá dầu.

Thứ hai, lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế khá nhiều bao gồm tín dụng và đầu tư, rõ ràng độ trễ của năm tới sẽ tạo áp lực lên lạm phát.

Thứ ba, đồng USD vẫn được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, theo một số tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, khi Trung Quốc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, họ sẽ điều chỉnh tỷ giá của họ linh hoạt hơn. Khi họ thay đổi cách thức chắc chắn sẽ tác động đến thị trường Việt Nam trong đó có tỷ giá và chính vì thế chúng ra cần phải có giải pháp.

Vậy giải pháp nào chúng ta cần làm trong năm 2016?

Yếu tố FED được cho vào mô hình tính toán lâu rồi vì vậy tác động không nhiều tuy nhiên đồng nhân dân tệ đươc dự đoán sẽ mất giá khoảng 5%. Hiện áp lực lên tỷ giá Việt Nam rất lớn và đây là bài toán khó đối với NHNN trong năm 2016.

Chúng tôi cho rằng chính sách tỷ giá thời gian qua có tính thích ứng tốt nhưng cần linh hoạt hơn. Khả năng điều chỉnh như thế nào trong thời gian tới tùy thuộc vào tính toán cung cầu đặc biệt là thâm hụt thương mại, và khả năng lạm phát quay trở lại, yếu tố nợ công cũng cần được xem xét tới.

Ngoài ra, theo cá nhân tôi, năm 2016 được xem là năm nắm bắt thời cơ đó là: hội nhập, chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, sự phục hồi nền kinh tế bắt đầu bước vào giai đoạn mới.

Và như vậy, muốn nắm bắt được thời cơ chúng ta cần quyết liệt cải cách mạnh mẽ 3 trụ cột: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Đồng thời, cần bám sát hơn chính sách tiền tệ tài khóa các nước đặc biệt Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Trong đó, việc điều chỉnh nhân dân tệ tác động khá mạnh đến tỷ giá Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp và ngân hàng cần kết nối với nhau chặt chẽ hơn để tăng cường kiểm soát rủi ro.

Thưa ông, NHNN có cần tăng dự trữ ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ hay không và các NHTM có nên mua đồng tiền này khi vào tháng 10/2016 đồng nhân dân tệ chính thức nằm trong rổ tiền tệ quốc tế?

NHNN cũng đã đến lúc cần cân nhắc dần việc tăng dự trữ bằng đồng nhân dân tệ. Còn đối với các NHTM thì không nhất thiết như vậy. Hiện nay, đồng nhân dân tệ đang được sử dụng ở 3 kênh khác nhau. Kênh thứ nhất là dự trữ, các nước cũng bắt đầu mua nhân dân tệ nhiều hơn. Hiện nay, đồng nhân dân tệ chiếm 1% tổng dự trữ trên toàn thế giới, yên Nhật (JPY) và bảng Anh (GBP) đang chiếm 4%.

Theo dự báo nhiều chuyên gia thế giới, dự trữ bằng đồng nhân dân tệ nhiều khả năng sẽ tăng khoảng 5% trong vòng vài năm tới. Chúng ta cần đi theo xu hướng đó, tất nhiên cần cân nhắc mua bao nhiêu và mua thời điểm nào. Đây cũng là một cách đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối của chúng ta.

Ngoài ra, việc dùng đồng nhân dân tệ trong việc thanh toán quốc tế của thế giới được dự báo cũng tăng lên. Hiện thanh toán bằng đồng nhân dân tệ qua hệ thống SWIFT để chi trả nợ thanh toán quốc tế chiếm khoảng 8-10%. Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam dùng đồng nhân dân tệ nhiều hơn theo chính sách của Trung Quốc. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có bài toán ứng phó như thế nào đối với đề nghị đó.

Cuối cùng là các quỹ đầu tư, các quỹ này được dự báo sẽ dịch chuyển để đầu tư danh mục nhiều hơn nữa đối với đồng nhân dân tệ. Đó cũng là một xu thế. Nếu các quỹ đầu tư vào Việt Nam thì chúng ta cũng cần xem xét để kiểm soát và quản lý.

Mai Ngọc

Theo Trí thức trẻ


Nguồn: Trí thức trẻ