Tuy tiềm năng tăng trưởng đối với phân khúc tín dụng này ở thị trường mới nổi như Việt Nam được đánh giá còn lớn và cuộc đua giành thị phần mới bắt đầu, song khách hàng cần tỉnh táo trước khi quyết định lựa chọn khoản vay để tránh rắc rối về sau.
Đánh thẳng vào nhu cầu thực
Nếu như điều kiện tín dụng ở các ngân hàng còn khá khắt khe đối với phân khúc tín dụng tiêu dùng dành cho khách hàng cá nhân và hạn chế những khoản vay quá nhỏ lẻ, thì các CTTC lại sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu vốn chi tiêu hàng ngày.
HD Saison vừa phối hợp với Trường Đào tạo Mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia và Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech ký kết hợp tác tín dụng giáo dục hỗ trợ vay vốn học tập dành cho học sinh, sinh viên. Chỉ cần bản sao chứng minh nhân dân (CMDN), hộ khẩu cùng với cam kết bảo lãnh của phụ huynh, HD Saison cho vay đến 80% học phí trọn khóa học trong 2,5 năm (tương đương với số tiền khoảng 50 triệu đồng).
Theo thống kê của Home Credit Việt Nam, số lượng hợp đồng vay mua trả góp 3 mặt hàng điện thoại, laptop và máy tính bảng trong năm 2014 tăng 133% so với cuối năm 2013.
FE Credit cũng vừa đưa ra 2 gói sản phẩm mua xe máy trả góp với thời hạn vay lên đến 24 tháng; lãi suất 2,92%/tháng theo dư nợ giảm dần tùy điều kiện vay của khách hàng…
Ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho biết, bức tranh kinh tế Việt Nam sáng dần, tạo thuận lợi cho ngành tín dụng tiêu dùng phát triển. “Tín dụng tiêu dùng đang có tốc độ tăng trưởng trung bình 30 - 40%/năm và tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm 2015. Lạm phát, cán cân thương mại, tỷ giá được kiểm soát… là những yếu tố thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng. Vì vậy, cạnh tranh sẽ nóng lên, nhưng cũng đem lại quyền lợi tốt cho người vay”, ông Kalidas nhấn mạnh.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Hữu Nhân, Tổng giám đốc HD Saison cho rằng, Việt Nam có dân số trẻ chiếm tỷ lệ lớn, có nhu cầu tiêu dùng cao và là thị trường được các doanh nghiệp toàn cầu nhắm đến tại khu vực ASEAN. Vì vậy, nhu cầu tài chính tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Khách hàng cần tỉnh táo
Với làn sóng ngân hàng mua lại CTTC để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cạnh tranh thị phần sẽ ngày càng khốc liệt. Với lãi suất thường được các CTTC áp dụng ở mức 30 - 40%/năm, do rủi ro đối với khoản vay nhỏ, lẻ cao, theo lời khuyên của các chuyên gia tài chính, khách hàng cần tìm hiểu và lựa chọn kỹ trước khi quyết định một khoản vay.
Trên thực tế, rất nhiều người vay vốn tiêu dùng trả góp sau một thời gian đều phàn nàn về việc lãi suất cho vay quá cao và cho rằng, các CTTC đã không tư vấn kỹ và cảm thấy như bị lừa. Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, dù cho vay tại ngân hàng, CTTC, hay tham gia bất kỳ một hoạt động mua bán dân sự nào, khách hàng đều có một quyền rất cơ bản đó là quyền từ chối nếu thấy điều kiện giao dịch không phù hợp.
“Chính khách vay tiền tiêu dùng đã tự mình bỏ qua quyền được thắc mắc đối với nhân viên tư vấn để hiểu tường tận khoản vay trước khi đặt bút ký hợp đồng, nên thiệt thòi về sau”, TS. Kiêm nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, hiện Thông tư 12/2010/TT-NHNN cho phép các TCTD, kể cả CTTC, cho vay theo lãi suất thỏa thuận. Nhà nước chỉ định trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp phụ trợ, xuất khẩu, DNVVN và DN ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực cho vay khác, kể cả bất động sản, chứng khoán và vay tiêu dùng, Nhà nước không quy định trần lãi suất cho vay. Theo ông Minh, để tự bảo vệ mình, người đi vay cần tìm hiểu cặn kẽ về khoản vay trước khi đặt bút ký hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản về lãi suất. Quan trọng hơn là khách hàng cần cân nhắc khả năng tài chính của mình có chịu được mức lãi suất vay tiêu dùng.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Thế Hiển cho rằng, dù tiềm năng tăng trưởng lớn, song rủi ro đối với hoạt động cho vay tài chính, tiêu dùng nhỏ, lẻ cũng không dễ kiểm soát. Đó chính là lý do vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng được CTTC áp dụng cao hơn nhiều lãi suất vay ngân hàng.
Theo Vân Linh
Đầu tư Chứng khoán