Trong phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ cuối tuần trước của Kho bạc, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại đã phát đi thông điệp muốn tăng lãi suất khi họ đặt thầu lãi suất thấp nhất là 6,48%/năm, tăng so với mức trúng thầu 6,4% của phiên đấu thầu tuần trước đó.
Do muốn duy trì lãi suất thấp nên Kho bạc đã thất bại trong việc phát hành 2.000 tỉ đồng trái phiếu năm năm và 1.000 tỉ đồng trái phiếu 10 năm. Nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ không suy yếu nhưng đòi hỏi lãi suất phải cao hơn.
Tuần qua, Hà Nội cũng đã nhanh chóng bán hết toàn bộ 2.000 tỉ đồng trái phiếu đô thị năm năm nhờ lãi suất hấp dẫn hơn lãi suất của Kho bạc rất nhiều, 7,2%/năm.
“Nếu mua trái phiếu chính phủ hiện nay với lãi suất đó, một số ngân hàng gần như mua chỉ để hòa vốn, không có lời vì lãi suất huy động tiết kiệm ba tháng ở nhiều ngân hàng hiện khoảng 5% cộng thêm khoảng 1-2% chi phí huy động trong khi lãi suất tín phiếu ngắn hạn phát hành qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện khoảng 4,2%”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
Ông phân tích, một ngân hàng bình thường hiện nay chi phí huy động vốn thấp nhất cũng hơn 1% và cao là 2%. Một ngân hàng huy động 100.000 tỉ đồng một tháng thì chi phí huy động đã là 1.000 tỉ đồng. Ngân hàng nào co kéo giỏi, phí huy động trên vốn huy động cũng trên 1% mà hiện nay lãi suất huy động 4,5-5% thì trung bình giá vốn ngân hàng đem về hiện nay đã là 6-7%. Đó mới là riêng chi phí huy động, chưa kể ngân hàng còn phải tính toán để xử lý rủi ro nợ xấu.
Các ngân hàng đang cho vay ra thị trường với lãi suất trung bình 10%/năm có thể có lãi một chút. Riêng các ngân hàng lớn, với ưu thế tổng huy động cao có thể giảm chi phí huy động và có thể cho vay rẻ hơn một chút 9%/năm. Còn các ngân hàng khác sẽ rất khó kiếm lời. Với các ngân hàng quy mô nhỏ, mức lãi suất này nếu không chịu nổi sẽ bị ăn vào vốn. Mua tín phiếu, trái phiếu hiện nay ở một số ngân hàng chỉ là giải pháp tạm thời để giữ cho ngân hàng hòa vốn đặc biệt ở những ngân hàng cổ phần huy động với lãi suất quanh 7%/năm trên thị trường.
Trong bối cảnh như vậy doanh nghiệp sẽ ra sao? Các diễn biến kinh tế trong vòng một tháng qua đã phát đi những tín hiệu xấu. CPI tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước. Sản lượng điện dư thừa ở một số nhà máy điện lớn, và lần đầu tiên có những thời điểm dư cung tới 40%. Chỉ số sản xuất công nghiệp những tháng gần đây theo Tổng cục Thống kê rất yếu và việc điều chỉnh tỷ giá đô la Mỹ/đồng sẽ càng làm cho hiệu quả sản xuất thấp hơn. Yêu cầu hạ lãi suất cho vay là rất lớn nếu muốn cho doanh nghiệp hồi sức, nền kinh tế khỏe mạnh hơn.
Liệu lãi suất có xuống thấp hơn được không? Điều này có vẻ như bế tắc khi mà NHNN muốn giữ tỷ giá không biến động từ nay tới những tháng đầu năm 2016 như tuyên bố của cơ quan này.
Trong cuộc họp với Thống đốc NHNN tuần trước, một số ngân hàng thương mại đề nghị nâng lãi suất huy động để đối phó với những áp lực hiện tại trên thị trường ngoại hối, nơi nhu cầu ngoại tệ để tất toán các hợp đồng với nước ngoài cuối năm là rất lớn. NHNN đáp lại bằng cách yêu cầu các ngân hàng hạn chế ký mới và rút ngắn các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn và khẳng định sẽ “chưa tính đến việc tăng lãi suất huy động cũng như tỷ giá”.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau những cam kết mới nhất của NHNN, áp lực lên tiền đồng tạm thời lắng dịu nhưng hậu quả là tỷ giá tiếp tục bị kìm, nền kinh tế còn phải hy sinh. Lãi suất vẫn có xu hướng tăng.
Khi một số ngân hàng lớn đã nâng lãi suất thêm 0,2-0,5 điểm phần trăm hồi tháng 6, NHNN cho rằng đó là sự tăng lãi suất cục bộ ở một số ngân hàng và kêu gọi các ngân hàng cắt giảm lãi suất 1-1,5% trong năm nay. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng khó có khả năng lãi suất sẽ giảm vì tín dụng đã tăng nhanh từ đầu năm cộng với cung tiền đang cao sau hai đợt điều chỉnh tỷ giá. Tổng khối lượng tiền bơm ròng qua thị trường mở còn lưu thông tính đến hết ngày 27-8 là 10.966 tỉ đồng.
Với việc các ngân hàng gần đây không mua trái phiếu chính phủ và muốn tăng lãi suất huy động đã khiến Chính phủ phải trả giá cao hơn cho những đồng vốn huy động cho ngân sách.
Theo Hồng Phúc
TBKTSG