Trong thời gian qua, hệ thống NH đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu. Và một trong những biện pháp được các chuyên gia đề xuất được đánh giá là khá hiệu quả tại các nước trên thế giới đó là chuyển nợ thành vốn góp. Nếu áp dụng tại Việt Nam giải pháp này phát huy hiệu quả ra sao và những vướng mắc gì NH sẽ gặp phải khi thực hiện?
Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với chuyên gia NH TS. Cấn Văn Lực xoay quanh vấn đề này.
Theo ông, việc chuyển nợ thành vốn góp sẽ có tác động thế nào đối với hoạt động xử lý nợ xấu?
Khi NH chấp nhận chuyển khoản nợ của DN thành vốn góp tức là NH chấp nhận đầu tư số vốn tương đương với giá trị khoản nợ và nhận lại một số cổ phần hoặc vốn góp tương ứng.
Với giải pháp này, NH giúp DN giảm bớt trách nhiệm phải trả nợ ngay lập tức, đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho họ để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, DN cũng được nâng hạng tín nhiệm, ra khỏi nhóm nợ xấu của NH. Đối với NH, sau khi thực hiện chuyển nợ thành vốn góp đương nhiên khoản nợ đó không còn là nợ xấu nữa mà chuyển thành góp vốn đầu tư. Như vậy, nợ xấu chắc chắn được giảm trừ.
Hiện tại, Nghị định 34 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC; Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán cũng đã tháo gỡ về mặt pháp lý một phần đối với vấn đề này. Tuy nhiên, việc triển khai giải pháp chuyển nợ thành vốn góp còn gặp một số vướng mắc.
Cụ thể là những vướng mắc gì, thưa ông?
Theo quy định của Luật Các TCTD, tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một NHTM vào các DN bao gồm cả vốn cấp, vốn góp vào các công ty con, công ty liên kết của NHTM đó không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của NHTM. Như vậy, nếu được thực hiện chuyển nợ thành vốn góp, việc các NH vượt quá giới hạn 40% vốn điều lệ là khó tránh khỏi.
Do đó, nếu NHNN cho phép NH thực hiện thì phải có hình thức nghiên cứu để nới room trên trong một thời gian nhất định. Còn với các NH chuyển nợ thành vốn góp cũng phải có một lộ trình để thoái vốn và đảm bảo an toàn vốn đầu tư, cũng như đảm bảo đúng quy định của NHNN về tỷ lệ vốn đầu tư ra bên ngoài. Bên cạnh đó, các NH cũng phải xác định xem khi góp vốn có nên tham gia quản trị điều hành đối với DN đó hay không.
Tôi cho rằng, nếu là cổ đông lớn, NH sẽ phải tham gia HĐQT nhưng chỉ là định hướng chiến lược chứ không nên tham gia chi tiết vì có nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực đặc thù NH không đủ chuyên môn, nghiệp vụ để tham gia sâu được. Tránh tình trạng đôi khi có thể lại phản tác dụng.
“Thời gian nhất định” mà ông vừa nói sẽ là khoảng bao lâu?
Cái đó còn tùy thuộc vào mỗi DN. Có DN hồi phục nhanh, và ngược lại có DN chậm. Khi nào DN hoạt động tốt, thì NH phải thực hiện rút vốn ngay. Như tại Mỹ, thời điểm NH khủng hoảng, Chính phủ tiếp nhận bơm vốn cho một số NH tiếp tục duy trì hoạt động. Khi NH nào hoạt động tốt trở lại, thì Chính phủ Mỹ bắt đầu thực hiện thoái vốn.
Với các giải pháp hiện nay, theo ông mục tiêu đưa nợ xấu toàn ngành Ngân hàng về dưới mức 3% có khả thi không? Và giải pháp nào để nợ xấu giảm không chỉ về mặt con số?
Theo báo cáo toàn ngành NH, hết tháng 3/2015, nợ xấu ở mức hơn 3,8%. Với giải pháp tổng thể mà các NH đã, đang thực hiện thì khả năng nợ xấu đưa về dưới mức 3% đến 30/9 là hoàn toàn khả thi. Tôi cho rằng, sức ép từ cơ quan quản lý buộc các NH phải quyết liệt thực hiện. Nếu như đến thời điểm đó NH không thực hiện theo kế hoạch giao họ sẽ chịu rất nhiều chế tài từ cơ quan quản lý.
Còn về vấn đề đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu thực chất, tôi cho rằng cần phải thúc đẩy nhiều biện pháp như tái cơ cấu, cổ phần hóa DN còn lại (theo Bộ Tài chính hiện còn 246 DN cần cổ phần hóa trong năm 2015). Cùng với đó là đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, bao gồm cả việc xử lý dứt điểm nợ tồn đọng xây dựng cơ bản là giải pháp quan trọng. Mặc dù giảm hơn nhưng nợ tồn đọng xây dựng cơ bản vẫn còn tương đối nhiều.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, hai giải pháp cơ bản nhất hỗ trợ NH xử lý nợ xấu triệt để là tháo gỡ vướng mắc xử lý tài sản đảm bảo và phát triển thị trường mua bán nợ.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề này, cần thống nhất tập hợp tất cả những vướng mắc vào một tờ trình để đề xuất Quốc hội ban hành một quyết định xử lý và có tính cưỡng chế cao. Trong đó phải có quy định cụ thể để tăng sự vào cuộc, phối kết hợp giữa các bộ, ngành với nhau. Bởi, nếu như ngành NH có quyết tâm thực hiện, nhưng các bộ, ngành khác không vào cuộc mà vẫn làm cách làm cũ thì sự cố gắng của NH không có nhiều ý nghĩa.
Xin cảm ơn ông!
Theo Huyền Thanh
Thời báo ngân hàng