Đây là một biện pháp mang tính cấp bách, vì nó có hiệu lực ngay vào đầu tuần tới (5/10) thay vì có độ trễ 45 ngày của một thông tư thông thường.
Cấp bách vì nhu cầu ngoại tệ bị biến dạng và thổi phồng tại thời điểm hiện nay, gây áp lực lên tỷ giá.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tháng 8 và 9 vừa qua, tỷ giá USD/VND biến động, lượng tiền gửi USD tăng đột biến, thể hiện tình trạng găm giữ, đặc biệt là trong doanh nghiệp.
Nhu cầu bị biến dạng do nhiều doanh nghiệp chưa đến kỳ thanh toán, nhưng lại dồn mua trước ngoại tệ và găm giữ để đề phòng rủi ro tỷ giá có thể tiếp tục tăng lên. Nói cách khác, nhu cầu ngoại tệ lẽ ra ở tương lai nhưng lại dồn về cùng thời điểm và tác động đến tỷ giá.
Trước thực trạng trên, cuối tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức về 0%, nhằm giảm hấp dẫn của đồng USD tại Việt Nam và tăng hấp dẫn cho VND trong so sánh, qua đó kích thích chuyển đổi.
Để chính sách trên không đơn độc, với Thông tư 15 vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những quy định và mục đích rõ hơn trong việc nắn lại nhu cầu ngoại tệ trên thị trường.
Điểm chính của Thông tư 15 là “đánh” vào tình trạng đầu cơ và găm giữ ngoại tệ, đẩy nhu cầu ngoại tệ của tương lai về với tương lai thay vì bị dồn vào cùng một thời điểm như thời gian vừa qua.
Cụ thể, quy định mới nêu rõ, các giao dịch ngoại tệ với ngân hàng phải xuất trình giấy tờ và chứng từ chứng minh mục đích, số lượng, thời hạn thanh toán. Căn theo thời hạn của chứng từ đó, các ngân hàng mới được phép bán giao ngay ngoại tệ hay không, tránh giao ngay để rồi bị găm giữ.
Theo đó, trên cơ sở giấy tờ và chứng từ xác minh, nếu thời điểm khách hàng cần ngoại tệ để thanh toán trong phạm vi 2 ngày làm việc thì được mua - bán theo giao dịch giao ngay, từ ngày thứ 3 trở lên ngân hàng chỉ được bán ngoại tệ kỳ hạn.
Với quy định này, doanh nghiệp chưa có nhu cầu thanh toán ngay (trong vòng 2 ngày) sẽ không được mua ngoại tệ giao ngay để găm giữ và phòng thủ như thời gian qua.
Còn khi mua bán ngoại tệ kỳ hạn, kỳ hạn tối đa được xác định là 365 ngày, tối thiểu là 3 ngày nói trên.
Để tránh tình huống sang ngày thứ 4 doanh nghiệp đã có thể nắm ngay ngoại tệ và găm giữ dù chưa đến thời điểm thanh toán, Thông tư 15 quy định chặt chẽ thêm: ngày cuối cùng của kỳ hạn trong giao dịch kỳ hạn không được trước ngày đến hạn thanh toán của doanh nghiệp (xác minh theo giấy tờ, chứng từ chứng minh nhu cầu mua ngoại tệ) 2 ngày làm việc.
Tỷ giá kỳ hạn giữa VND với đô la Mỹ trong giao dịch kỳ hạn được quy định sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức tỷ giá được xác định trên cơ sở tỷ giá giao ngay vào ngày giao dịch, chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố và lãi suất mục tiêu đô la Mỹ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, gắn với kỳ hạn của giao dịch.
Còn không giao dịch kỳ hạn, các nhu cầu ngoại tệ để thanh toán trong tương lai sẽ buộc phải chờ đến thời điểm thanh toán thực để giao dịch giao ngay, thay vì mua và găm trước như vừa qua dẫn đến thổi phồng nhu cầu vào một thời điểm, gây áp lực lên tỷ giá.
Theo Minh Đức
VnEconomy