Cho đến thời điểm này, hàng loạt phân tích và dự báo về kết quả cuộc họp vài ngày tới của FED vẫn theo hai hướng khác nhau: một là quyết định tăng lãi suất cuối cùng đã đến lúc đưa ra, hai là nó tiếp tục “treo” đến một thời điểm nào đó.
Ở cả hai khả năng trên, thị trường ngoại tệ của Việt Nam ít nhiều sẽ có phản ứng nhất định. Mặc dù sự lưu chuyển dòng vốn ngoại tệ còn bị hạn chế, song những biến động tài chính quốc tế đang ngày càng có ảnh hưởng tới diễn biến thị trường trong nước.
“Dựa trên những kịch bản về biến động của thị trường quốc tế, chúng tôi cho rằng, thị trường ngoại tệ Việt Nam sẽ đón nhận một đợt sóng tỷ giá ngắn và có mức độ biến động ít hơn so với đợt sóng tỷ giá khi Trung Quốc hạ giá đồng Nhân dân tệ”, một báo cáo riêng của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của MaritimeBank nhận định.
Theo khối nghiên cứu này, lường trước khả năng thị trường có biến động và mức biến thiên lớn, cơ hội kinh doanh và rủi ro liên quan có thể xuất hiện, hoạt động nâng trạng thái trước thời điểm FED ra quyết định (ngày 17/9) là phản ứng thường thấy.
Đầu tuần này, diễn biến tỷ giá USD/VND cũng đã có biểu hiện tăng sau bước điều chỉnh nhẹ cuối tuần qua. Đến đầu giờ chiều nay (15/9), mức giá USD bán ra của một số ngân hàng thương mại đã lên 22.540 VND, tăng 30 VND so với đầu tuần và chỉ cách mức trần một bước nhỏ 7 VND.
Còn sớm để khẳng định diễn biến trên là khởi đầu của một sóng ngắn của tỷ giá có thể xuất hiện trước và sau cuộc họp của FED hay không, nhưng tâm lý kỳ vọng của thị trường là điểm được chú ý.
Trước đó, bằng quyết định điều chỉnh kép ngày 19/8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước lý giải là đã chủ động đón đầu các tác động bất lợi của khả năng FED tăng lãi suất, qua đó hạn chế kỳ vọng của thị trường.
Nối tiếp, ngày 25/8, cả lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và từ cuộc họp của Thường trực Chính phủ đều thống nhất thông điệp tiếp tục ổn định tỷ giá, kể cả bán ra ngoại tệ.
Còn theo phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của MaritimeBank, hiện kỳ vọng nâng tỷ giá USD/VND tạm thời lắng xuống, song tỷ giá vẫn cần có thời gian ổn định trở lại trên mặt bằng mới.
Với cuộc họp của FED sắp tới, có hai tình huống được xét tới.
Trong trường hợp FED nâng lãi suất, Việt Nam sẽ chịu tác động kép từ việc mất giá trực tiếp so với USD và giảm sức cạnh tranh gián tiếp so với Trung Quốc khi đồng Nhân dân tệ cũng mất giá so với USD. Nếu thị trường Trung Quốc phản ứng mạnh với quyết định của FED, Nhân dân tệ mất giá lớn so với USD, thì áp lực đối với tỷ giá USD/VND tăng lên khá nhanh, kích hoạt kỳ vọng tăng tỷ giá.
Trong tình huống trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải rất nỗ lực dùng mọi biện pháp để bình ổn thị trường (bao gồm cả việc bán ngoại tệ) sau khi đã tái cam kết không điều chỉnh tỷ giá hôm 25/8 vừa qua.
Ở trường hợp ngược lại, FED chưa nâng lãi suất trong kỳ họp này, áp lực đối với tỷ giá không tăng, song vẫn duy trì ở mức cao do thị trường lại tiếp tục chờ đợi việc FED sẽ nâng lãi suất trong kỳ họp tiếp theo.
Xa hơn, theo dự báo gần nhất trong cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua, mức lãi suất chính sách dài hạn trung bình của Mỹ sẽ trong khoảng từ 3,25-4,25%/năm và có thể đạt được từ sau 2017. Theo đó, áp lực đối với tỷ giá USD/VND dự báo sẽ còn duy trì trong thời gian từ nay tới thời điểm lãi suất USD đạt được mức dự báo trên.
“Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể phải tính đến cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn sau khi tỷ giá trở về trạng thái ổn định để ứng phó với những biến động của tỷ giá do tác động từ yếu tố quốc tế. Cơ chế tỷ giá mới có thể có sự thay đổi bám sát diễn biến trên thị trường liên ngân hàng hơn, song biên độ giao dịch được thu hẹp hơn hiện tại để hạn chế sự biến động quá mạnh của thị trường ngoại hối khi có sốc”, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của MaritimeBank dự tính.
Theo Minh Đức
VnEconomy