Tỷ giá tiền đồng/euro ngày cuối cùng của năm ngoái đứng ở 26.133 đồng/euro. Ngày 25-8-2015 tỷ giá trên là 26.290 đồng/euro. Không cần phải nhìn qua tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ, vốn đã tăng gần 6% từ đầu năm đến nay, tỷ giá đồng Việt Nam và euro đã gần bằng mức cuối năm 2014.

Điều ấy có nghĩa nếu đồng tiền chung của Liên minh châu Âu tiếp tục tăng giá và tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ còn biến động, các doanh nghiệp có dư nợ vay bằng euro, đô la Mỹ hoặc các ngoại tệ mạnh lại “khóc ròng” cho khoản trích lập dự phòng rủi ro chênh lệch tỷ giá năm nay và nhiều khả năng cả năm sau.

Lại lo trích lập dự phòng tỷ giá

Thị giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn (BCC-Hnx) đã rơi từ mức đỉnh ngắn hạn 20.000 đồng về gần 12.000 đồng cuối tuần trước, tức giảm 40% - mức giảm không hề nhỏ. Trong một thị trường giá xuống bị ảnh hưởng của cả những yếu tố biến động trên thị trường tài chính quốc tế lẫn thị trường tiền tệ trong nước, VN-Index đã đánh mất gần như toàn bộ thành quả từ đầu năm đến nay, âm 0,55% so với cuối năm ngoái và đã âm 12,26% so với cùng kỳ, thì các cổ phiếu riêng lẻ cũng không tránh khỏi xu hướng chung của thị trường. Tuy nhiên câu chuyện của BCC và những doanh nghiệp có dư nợ vay ngoại tệ lớn giờ đây còn ảm đạm hơn bởi những khoản dự phòng phải trích cho chênh lệch tỷ giá.

Tính toán sơ bộ của bộ phận ngân quỹ một ngân hàng chỉ ra, nước ngoài có thể rút ròng qua trái phiếu (chủ yếu) và cổ phiếu (thứ yếu) khoảng 2,5-3 tỉ đô la Mỹ. Đây phần lớn là số tiền “nóng” chảy vào Việt Nam nhằm hưởng chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trước đây.

Quí 1-2015 do đồng euro giảm giá, BCC báo lãi 112 tỉ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng tỷ giá cho khoản dư nợ 55 triệu euro. Công ty Xi măng Bút Sơn (BTS-Hnx) và Xi măng Hà Tiên (HT1-Hose) cùng thời gian trên lãi hơn 100 tỉ đồng và 200 tỉ đồng cũng với lý do tương tự. Sang quí 2, cả ba phải trích dự phòng rủi ro trở lại do euro lên giá. Quí 3 này, mức trích dự phòng được dự báo sẽ tăng vọt.

Biến động tỷ giá đang là nỗi lo thường trực sau một thời gian dài “thảnh thơi” của không ít doanh nghiệp niêm yết vay ngoại tệ như Công ty Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2-Hose) hiện vay 135 triệu đô la Mỹ và 123 triệu euro; Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD-Hose) nợ 610 triệu đô la Mỹ; Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose) nợ 25,6 tỉ yen; Vingroup nợ 670 triệu đô la Mỹ dưới nhiều hình thức khác nhau... Ngoại trừ PVD có các khoản thu bằng ngoại tệ nên có thể bù đắp được chênh lệch tỷ giá, các doanh nghiệp khác chỉ cần đồng Việt Nam mất giá thêm 1% là lợi nhuận có thể giảm đi từ vài chục đến cả trăm tỉ đồng. Thời kỳ tận dụng vay tiền rẻ bên ngoài hơn vay tiền đồng trong nước dường như đã chấm dứt.

Tiền “nóng” vận động

Bên cạnh nỗi lo của một bộ phận doanh nghiệp, lớn hơn là nỗi lo của cả thị trường vì dòng tiền “nóng” có thể dời đi. Cho đến cuối tuần trước, trong bảy phiên liên tiếp khối ngoại bán ròng 657 tỉ đồng cổ phiếu. Còn từ ngày 31-7 đến 21-8-2015 theo thống kê của sàn Hà Nội, nước ngoài bán ròng tổng cộng 2.783 tỉ đồng trái phiếu chính phủ.

Một số tổ chức tín dụng mạnh về kinh doanh trái phiếu cho biết khối ngoại dứt khoát hơn các tổ chức nội địa, một khi chạm mức an toàn (stop loss) là họ cắt lỗ không thương tiếc. Hiện nay sở dĩ họ không bán được nhiều là do thanh khoản thị trường yếu. Thanh khoản Hose trong những tháng 7 và 8 đã giảm 30% so với quí 1 và quí 2-2015. Giao dịch trái phiếu không còn nhộn nhịp vì các ngân hàng không còn quá dồi dào thanh khoản để mua như trước. Vì vậy sự bán ròng của nước ngoài dự báo sẽ còn kéo dài.

Tính toán sơ bộ của bộ phận ngân quỹ một ngân hàng chỉ ra, nước ngoài có thể rút ròng qua trái phiếu (chủ yếu) và cổ phiếu (thứ yếu) khoảng 2,5-3 tỉ đô la Mỹ. Đây phần lớn là số tiền “nóng” chảy vào Việt Nam nhằm hưởng chênh lệch lãi suất tiền đồng và đô la Mỹ trước đây (từ tháng 7-2015 trở về trước nhờ tỷ giá ổn định). Việc rút ra này sẽ gây áp lực lên sự cân bằng cung cầu ngoại tệ và câu hỏi tiếp theo sẽ là liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chấp nhận bán tiếp ra từng ấy ngoại tệ để thỏa mãn nhu cầu thị trường từ khối ngoại?

Động thái của hai quỹ ETFs nước ngoài là Vaneck VNM và FTSE Vietnam ETF đang nắm giữ khoảng 850 triệu đô la Mỹ cổ phiếu ở cả Hnx và Hose, đang khiến giới đầu tư trong nước dè chừng. Tuần qua có ngày Vaneck VNM bị rút ròng 75 tỉ đồng. Riêng Deutsche Asset & Wealth Management (DB) vừa thông báo sẽ cơ cấu lại một loạt quỹ ETF theo hướng hủy niêm yết 43 quỹ từ ngày 25-9-2015 nhằm giảm bớt giao dịch tại các sàn chứng khoán thanh khoản thấp và tập trung giao dịch tại những sàn thanh khoản cao. Quỹ FTSE Vietnam ETF sẽ bị hủy niêm yết trên hai sàn Nasdaq OMX (Stockholm) và Euronext (Paris) do thanh khoản yếu. Trên tám sàn còn lại chứng chỉ quỹ của quỹ này vẫn được giao dịch bình thường.

Với những quỹ ETF bị hủy toàn bộ, DB sẽ tự động hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. FTSE Vietnam ETF chỉ bị hủy niêm yết một phần, nên có thể quỹ sẽ không tự động bị rút vốn. Song, những dịch chuyển trên của FTSE Vietnam ETF có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư. FTSE Vietnam ETF hiện có tổng tài sản 372 triệu đô la Mỹ với danh mục 16 cổ phiếu blue-chips trên Hose, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là VIC, MSN, HPG, VCB, PVD, STB...   

Tiền “nóng” và giao dịch của khối ngoại trên thị trường trái phiếu đã có thời hỗ trợ việc phát hành trái phiếu chính phủ, đồng thời đẩy lãi suất trái phiếu giảm sâu, gián tiếp góp phần vào việc hạ mặt bằng lãi suất tiền đồng, cũng như giúp NHNN mua thêm được ngoại tệ, củng cố quỹ dự trữ ngoại hối. Nhưng như bản chất của nó, tiền “nóng” không bao giờ ở lâu dài một nơi. Khi vào nó luôn trông chừng thời điểm ra.

 

Trên thế giới, 15 thị trường mới nổi đang phải chứng kiến sự rút vốn mạnh của tiền “nóng” ba quí liên tiếp tới 600 tỉ đô la Mỹ, cao hơn cả mức 545 tỉ đô la Mỹ của ba quí liên tiếp thời kỳ khủng hoảng năm 2009, theo dữ liệu của ING Investment Management. Cảnh giác với sự dịch chuyển của tiền “nóng” do đó, không bao giờ thừa cho dù Việt Nam chưa từng được là vùng trũng rộng và sâu đối với dòng tiền tài chính quốc tế.


Theo Hải Lý

TBKTSG

Nguồn: TBKTSG