Kết quả kinh doanh vừa được các ngân hàng niêm yết công bố cho thấy, lợi nhuận đạt được trong quý II/2015 giảm mạnh so với quý đầu năm.
Tại bán nợ xấu
Các chỉ tiêu kinh doanh của Eximbank trong hai quý vừa qua đều xuống dốc. Trong đó, đáng kể nhất là lợi nhuận sau thuế chỉ đạt chưa đầy 27 tỷ đồng trong quý II/2015. Tổng số nợ xấu là 1.741 tỷ đồng, chiếm 2,08% trên tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn còn 1.051 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chi phí hoạt động phát sinh mạnh, tăng 32% lên 600 tỷ đồng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro chỉ còn 195 tỷ đồng, giảm 46%. Chi phí dự phòng quý II/2105 của Eximbank cũng tăng 14% lên 166 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận trước thuế còn lại 28,9 tỷ đồng, giảm 87% so với quý II/2014. Sau thuế, ngân hàng lãi vỏn vẹn 26,9 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt của Eximbank trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 566 và 442 tỷ đồng, đều giảm 14% so với kết quả cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm nay, Eximbank đã bán được 75% cho VAMC theo chỉ tiêu nợ xấu được giao và xử lý thu hồi được 1.000 tỷ đồng nợ xấu. Kế hoạch từ nay đến cuối năm, ngân hàng bán tiếp 500 tỷ đồng.
Bởi nợ xấu bán cho VAMC chủ yếu được các ngân hàng thực hiện trong quý II/2015 nên đòi hỏi dự phòng lớn. Để có thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận 1.000 tỷ đồng đưa ra năm nay, Eximbank sẽ xử lý khoảng 2.000 tỷ đồng năm 2015.
Lợi nhuận sau thuế quý II/2015 của ACB cũng giảm 10%, chỉ đạt 289,89 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng đạt hơn 570,6 tỷ đồng. Nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 30/6/2015 là 2.163,70 tỷ đồng. Mặc dù không nằm trong danh sách phải bán nợ xấu theo chỉ tiêu được giao, nhưng kế hoạch ACB đưa ra cho năm nay là bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC và chi phí dự phòng dự kiến là 2.000 tỷ đồng trong năm 2015.
Trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cũng chia sẻ quan điểm rằng xử lý nợ xấu đã “ăn” vào lợi nhuận ngân hàng. Từ tháng 4, tháng 5, VAMC mới bắt đầu mua nợ xấu từ các ngân hàng. Tổng số lượng nợ xấu các NHTM trên địa bàn TP.HCM 5 tháng đầu năm đã bán cho VAMC là hơn 3.000 tỷ đồng.
“Trong tháng 6 và 7, các NHTM trên địa bàn thành phố đang đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC và đến ngày 1/10 sẽ đạt mục tiêu bán nợ xấu cho VAMC. Trong đó, các khoản nợ xấu tự xử lý là 3.100 tỷ đồng thì đến nay đã xử lý được 80%”, ông Minh cho biết thêm.
Gánh nặng nợ có khả năng mất vốn
6 tháng đầu năm, Sacombank đã tăng gấp hơn 2 lần dự phòng rủi ro lên 1.929 tỷ đồng. Vì thế, lợi nhuận trước thuế sau dự phòng của Sacombank còn 1.525 tỷ đồng và sau thuế là 1.180 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Đến 30/6 Sacombank vẫn có tổng cộng 1.698 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,2% trên tổng dư nợ.
Một điểm đáng chú ý là các “ông lớn” trong ngành tăng mạnh nợ có khả năng mất vốn. Cụ thể, Vietcombank (VCB) có chi phí dự phòng trong quý II đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 37,76% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tính đến cuối quý II/2015 là 2,48% tăng so với cuối năm 2014 là 2,31%. Trong đó, đáng chú ý nợ có khả năng mất vốn tăng 959,83 tỷ đồng so với cuối năm 2014 lên 4.512,04 tỷ đồng. Dẫn đến, khoản trích dự phòng rủi ro cho vay tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên 8.122 tỷ đồng.
Nợ có khả năng mất vốn tại BIDV cũng tăng 80% lên mức 5.881 tỷ đồng; nợ dưới tiêu chuẩn của BIDV tăng 47% lên 6.962 tỷ đồng. Vì thế, chi phí hoạt động trong quý II/2015 là 2.321 tỷ đồng, tăng 18,5% cùng kỳ năm trước và chi phí dự phòng rủi ro tăng 6,9% lên 2.586 tỷ đồng. Đáng chú ý là, tổng số nợ xấu của BIDV tính đến ngày 30/6/2015 tăng vọt 14.206 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm, chiếm 2,74% trên tổng dư nợ. Trong khi tại thời điểm đầu năm tỷ lệ này chỉ ở mức 2,03%.
Tương tự, tổng số nợ xấu đến hết tháng 6 của VietinBank lên tới gần 7.000 tỷ đồng, chiếm 1,45% trên tổng dự nợ, tăng mạnh so với mức 1,1% đầu năm. Trong đó đáng chú ý nợ có khả năng mất vốn tăng 88% từ 2.084 lên 3.923 tỷ đồng.
Lãnh đạo các nhà băng cho biết, kỳ vọng lợi nhuận cao năm nay là rất khó, nhất là khi tình hình xử lý nợ xấu chưa được cải thiện nhiều. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, yêu cầu hàng đầu của các ngân hàng hiện nay là tăng trích dự phòng rủi ro để đảm bảo hoạt động an toàn. Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đưa ra nhận định, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề quan trọng nhất đối với ngân hàng là làm sao kiểm soát được nợ xấu. Vì vậy, các ngân hàng khó có khả năng đạt chỉ tiêu lợi nhuận cao.
Theo Thùy Vinh
Đầu tư chứng khoán