Vậy SCIC tìm kiếm điều gì trong việc trở thành cổ đông lớn của MBB?
MBB hoàn tất thương vụ tăng vốn
Ngày 18-9 vừa qua, MBB đã chính thức hoàn tất việc tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán riêng lẻ 390,6 triệu cổ phần. Kết quả khá thành công khi 100% số cổ phiếu đã được chào bán hết với giá bán thấp nhất là 10.500 đồng/cổ phiếu và giá cao nhất là 11.655 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu là 4.286 tỉ đồng. Sau đợt chào bán này, vốn điều lệ của MBB sẽ tăng lên mức gần 16.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, có năm nhà đầu tư tổ chức là cổ đông lớn đã mua cổ phiếu của MBB trong đợt phát hành này. Ngoài bốn cổ đông hiện hữu là Viettel (mua thêm 60,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ nắm giữ hiện là 15%); Công ty TNHH Thương mại và XNK Viettel (mua thêm 26,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ nắm giữ là 4,64%); Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (mua thêm 71,4 triệu cổ phiếu, nắm giữ 7,97%); Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (mua thêm 71,4 triệu cổ phiếu, nắm giữ 7,65%) thì một cái tên mới xuất hiện là SCIC với lượng cổ phiếu mua trong đợt phát hành này là 160 triệu, tương đương 10% vốn điều lệ của MBB.
Trong khi đó, hai cổ đông hiện hữu khác là MaritimeBank và Vietcombank không tham gia mua cổ phần trong lần tăng vốn này nên tỷ lệ sở hữu của hai ngân hàng này tại MBB đã lần lượt giảm xuống mức 8,84% và 7,16% so với mức 12,06% và 9,6% trước đó.
Điều này là phù hợp với quy định trong Thông tư 36 khi giới hạn ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu của một tổ chức tín dụng khác dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng đó. Riêng trường hợp của Vietcombank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn chấp thuận việc duy trì tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại MBB như mức hiện tại.
Đối với trường hợp của MaritimeBank vẫn chưa có thông tin gì từ phía NHNN nên nếu đúng theo quy định của Thông tư 36 thì ngân hàng này sẽ phải giảm tỷ lệ nắm giữ tại MBB xuống dưới mức 5% trước ngày 1-2-2016, đồng nghĩa với việc sắp tới phải bán ra 3,84% vốn cổ phần của MBB, tương đương với hơn 61,4 triệu cổ phiếu.
Vì sao SCIC chọn MBB?
Việc tăng vốn lần này của MBB nằm trong kế hoạch đã công bố tại đại hội đồng cổ đông năm 2015. Mục đích của việc tăng vốn là nhằm đảm đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng, nâng cao khả năng quản trị rủi ro và tăng năng lực nhằm phục vụ chiến lược phát triển kinh doanh.
Hệ số CAR của MBB sau khi tăng vốn cũng sẽ được cải thiện đáng kể, ước tính lên trên mức 11% (tỷ lệ CAR theo quy định của NHNN hiện nay là 9%), đồng thời sẽ giúp đẩy room dành cho nhà đầu tư nước ngoài tại MBB tăng thêm khoảng 39 triệu cổ phiếu. Hiện tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại MBB đã kịch trần 10% mà ngân hàng này quy định (MBB khóa 20% room cho nhà đầu tư chiến lược dù đến nay vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược ưng ý) nên việc room mới được nâng lên sau khi MBB tăng vốn có thể sẽ khiến cổ phiếu này thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Về phía cổ đông mới là SCIC, mục tiêu đầu tư vào MBB dường như cũng chỉ mang mục đích tìm một địa chỉ đầu tư an toàn và sinh lợi. MBB được đánh giá là một trong những ngân hàng có hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời tốt nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. P/E và P/B của ngân hàng này hiện ở mức 6,68 lần và 1,04 lần - đều thấp hơn so với mức trung bình của các ngân hàng đang niêm yết.
Kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2015 của MBB cũng khá thuận lợi khi các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt mức đề ra: lợi nhuận đạt 56% kế hoạch; tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng trưởng của ngành, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt với 2,04%.
Trên thực tế, thương vụ mua cổ phần MBB đã được SCIC “rục rịch” gần hai năm nay, trải qua nhiều lần tìm hiểu thông tin, đôi bên mới tìm được điểm chung để hợp tác. SCIC đã từng lên tiếng rằng đầu tư vào ngân hàng là một trong những lĩnh vực SCIC quan tâm. Ngoài chủ trương đầu tư vào MBB, SCIC còn dự kiến mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty tại các ngân hàng. Sự tham gia của SCIC được coi là một trong những giải pháp giúp việc thoái vốn của các ngân hàng tại các tổ chức tín dụng khác theo Thông tư 36 được thúc đẩy nhanh hơn. Tất nhiên, việc chọn mua cổ phần của những ngân hàng nào hoàn toàn phụ thuộc vào “khẩu vị” và cách đánh giá của SCIC.
Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai của MBB (chỉ đứng sau Viettel với tỷ lệ nắm giữ 15%), tuy nhiên nhiều khả năng chiến lược của MBB sẽ không có quá nhiều thay đổi sau khi có thêm cổ đông mới. Phương châm hoạt động của ngân hàng này là thận trọng và đi từng bước chậm nhưng chắc. Trong bối cảnh tiến trình tái cơ cấu ngành ngân hàng vẫn đang ngổn ngang và nhiều rủi ro như hiện nay, không có nhiều lý do để MBB phải thay đổi chiến lược của mình khi ngân hàng này vẫn đang hoạt động hiệu quả.
Tuy vậy, việc tăng vốn vừa qua của MBB cũng đang đặt ra câu hỏi về quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ khi giá chào bán trong đợt phát hành riêng lẻ cho các cổ đông lớn thấp hơn hẳn so với giá thị trường (khoảng 25%). Nguyên nhân nào khiến MBB làm vậy? Liệu có phải tiếng nói của các cổ đông lớn (cũng chính là những người được mua trong đợt chào bán) với tỷ lệ nắm giữ chi phối đang lấn át hoàn toàn, khiến các cổ đông nhỏ lẻ gần như không thể phản đối?
Theo Linh Trang
TBKTSG