Ngành hàng bánh kẹo của Việt Nam vài năm gần đây có những bước phát triển vượt bậc, ổn định do nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước tăng mạnh. Các chuyên gia đều nhận định, sản phẩm bánh kẹo là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong tương lai.

Ước tính, cả nước hiện có khoảng 30 doanh nghiệp bánh kẹo đang tham gia thị trường. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc của Việt Nam tăng mạnh, chiếm khoảng 0,5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong năm 2010. Các sản phẩm bánh kẹo của Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều nước như Cămpuchia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, UAE, Hồng Kông, Đài Loan… Trong đó, Cămpuchia là thị trường ổn định, luôn dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu bánh kẹo của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường mới nhưng là một trong những thị trường đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bánh kẹo lớn đã thiết lập quan hệ kinh doanh với các nước trên thế giới. Như Huunghifood đã có quan hệ kinh doanh với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Anh, Tây Ban Nha, Úc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Đông Timor, Cămpuchia…Công ty có thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm như: cà phê, hạt tiêu, gạo, ngô, cao su, sắn lát, đậu phộng… thực phẩm chế biến như: Cháo, mì ăn liền. Với mạng lưới phân phối mạnh và độ phủ rộng, Huunghifood có tham vọng trở thành một trong những nhà xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối tên tuổi tại Việt Nam. Cùng với việc khẳng định vị thế của một thương hiệu mạnh trong nước, Bibica từng bước xúc tiến quảng bá sản phẩm bánh kẹo ra nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm sang hơn 20 nước, với các loại bánh kẹo phong phú về mẫu mã, phù hợp với các đối tượng tiêu dùng và đạt chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dây chuyền công nghệ sản xuất bánh kẹo của các doanh nghiệp Việt Nam khá hiện đại và đồng đều, được nhập khẩu từ các quốc gia nổi tiếng về sản xuất bánh kẹo như: Công nghệ bánh phủ socola của Hàn Quốc, công nghệ bánh quy từ Đan Mạch, Anh, Nhật, hay sử dụng nguyên liệu bơ, sữa nhập khẩu từ New Zealand, Đan Mạch, Hà Lan…Nếu xét về góc độ chất lượng, sản phẩm bánh kẹo trong nước hiện nay không hề thua kém so với sản phẩm nhập khẩu, thậm chí còn ngon hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO 9001-2010 vào quá trình sản xuất nên đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bánh kẹo Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, như chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán tăng chậm. Đa phần các sản phẩm trong nước đều có giá thấp hơn các sản phẩm bánh kẹo nhập khẩu (chính ngạch) từ 10%-20%. Cùng với đó, nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu của ngành bánh kẹo chiếm tỷ trọng khá lớn: bột mì nhập khẩu gần như toàn bộ, đường mới đáp ứng được 75% nhu cầu tiêu thụ trong nước, hương liệu và một số chất phụ gia nhập khẩu chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành. Chính vì vậy, sự biến động của giá bột mì, đường trên thị trường thế giới sẽ có những tác động nhất định đến giá thành của bánh kẹo. Bên cạnh đó các yếu tố khác như chi phí nhân công, lãi suất, giá năng lượng cũng tác động đến giá thành bánh kẹo.

Để khắc phục những khó khăn trên và đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng bánh kẹo ra thị trường nước ngoài trong thời gian tới. Theo Bộ Công Thương, trước hết doanh nghiệp cần tìm hiểu khẩu vị của khách hàng, vì mỗi nước người tiêu dùng lại có những khẩu vị khác nhau. Cùng với đó, các mặt hàng xuất khẩu phải đảm bảo nhãn mác, xuất xứ, hạn sử dụng, có hướng dẫn sử dụng chi tiết rõ ràng. Doanh nghiệp không nên coi nhẹ việc phân phối hàng ở các vùng biên giới, chúng ta nên tận dụng đường biên giới gần ở một số nước để xâm nhập hàng hóa vào sâu trong nội địa thị trường đó. Doanh nghiệp đặc biệt chú ý đến các dịch vụ sau bán hàng và đào tạo nhân viên có thái độ thân thiện với các nhà phân phối. Bởi theo phản hồi của các thương nhân dọc biên giới, hàng Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh bởi hàng hóa của Thái Lan, tuy chất lượng bánh kẹo tương đương, nhưng nhân viên bán hàng của Thái Lan chăm sóc, gần gũi hơn với khách hàng; các dịch vụ sau bán hàng của họ cũng tốt hơn rất nhiều. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng ngoài nước, các công ty bánh kẹo Việt Nam cũng cần không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng của các sản phẩm; đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ thích hợp trong sản xuất hơn nữa. Đồng thời, sử dụng nguyên liệu tiêu chuẩn cao, giám sát chặt chẽ các công đoạn sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn chất lượng sản phẩm nhằm giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa.

 

Nguồn: Vinanet