Tháng 6 giá thực phẩm tươi sống, rau xanh giảm mạnh. Nguyên nhân do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ thấp. Mặc dù đến cuối tháng 6 không còn địa phương nào tồn tại dịch bệnh nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thiết tha quay lại với tiêu dùng thịt, một phần cũng do kinh tế còn khó khăn, thắt chặt chi tiêu. 

Sau đây là báo cáo đánh giá toàn diện về diễn biến mặt hàng thực phẩm trong nước và thế giới trong tháng 6, quí II/2013 và dự báo.

BÁO CÁO CHI TIẾT

A - THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

1. Cung - Cầu thực phẩm

Thịt: Theo thống kê, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam có sản lượng thịt gia súc đứng thứ nhất khu vực ASEAN, thứ 2 châu Á, thứ 6 thế giới; sản lượng thịt gia cầm đứng thứ 2 khu vực; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng đầu các nước ASEAN và thứ 12 thế giới. Nhiều năm qua ngành chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp với tốc độ 5-7%/năm, so với 2-2,5%/năm của ngành trồng trọt. Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT),  năm 2000, tổng sản lượng thịt cung cấp ra thị trường đạt 1,83 triệu tấn, tổng sản lượng sữa đạt 64.000 tấn, nhưng đến năm 2011 tăng lên lần lượt là 4,31 triệu tấn và 360.000 tấn. Con số này đã góp phần tăng lượng tiêu thụ thịt bình quân từ 23,6kg/người trong năm 2000 lên 48,3kg/người trong năm 2011, tiêu thụ sữa từ 0,3kg/người lên 3,8kg/người, tiêu thụ trứng đạt 83 quả/người/năm.

Đường: Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, đến thời điểm cuối tháng 5 các nhà máy đường ở ĐBSCL đã chính thức kết thúc vụ mía đường 2012 - 2013. Các nhà máy ở miền Trung và miền Bắc dự kiến kết thúc vụ vào cuối tháng 5-2013. Theo ước tính, các nhà máy trong cả nước sản xuất được gần 1,5 triệu tấn đường, tăng khoảng 150.000 tấn so vụ trước. Do năm nay giá đường xuống thấp, tiêu thụ khó khăn nên hiện tại các nhà máy còn tồn kho khoảng 580.000 tấn đường. Cân đối nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 100.000 tấn đường/tháng, thì lượng đường tồn kho cơ bản đáp ứng, không xảy ra tình trạng thiếu đường dù các nhà máy tạm nghỉ đến tháng 9 hoặc tháng 10-2013 mới vào vụ trở lại. Lượng đường bán ra giảm so với cùng kỳ năm trước do xuất khẩu đường sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, đến gần cuối tháng 4, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 25.000 tấn đường sang Trung Quốc.

Sữa: Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2013, tổng đàn bò sữa cả nước đạt gần 170.000 con, trong đó số lượng bò đang cho sữa là 98.372 con, chiếm gần 59%. Tổng lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất năm 2012 đạt khoảng 381.740 tấn, tăng khoảng 10,5% so với năm 2011 nhưng chỉ đáp ứng khoảng 22% tổng lượng sữa tiêu dùng cho cả nước. Con số này đồng nghĩa với thực trạng hơn 70% sữa cho tiêu dùng trong nước phải nhập khẩu. Theo Cục Chăn nuôi, thị trường sữa nước Việt Nam chỉ có khoảng 30% là sữa tươi, còn lại 70% là sữa hoàn nguyên.

Rau quả: Cục Trồng trọt cho biết, tính đến tháng 5.2013, tổng diện tích rau màu vụ đông xuân 2012- 2013 ở phía Bắc đạt khoảng 759.000ha, chỉ bằng 92,3% cùng kỳ, nhưng trong đó riêng diện tích rau đậu các loại đạt 114.500ha, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Muối: Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất tại thời điểm 20/4 khoảng 149.015 tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, miền Bắc tồn 14.970 tấn; Miền Trung tồn 84.601 tấn; Đồng bằng sông Cửu Long tồn 81.194 tấn. Diện tích sản xuất muối cả nước tính đến ngày 20/4 ước đạt 14.305 ha. Trong đó, diện tích muối thủ công đạt 10.911 ha, diện tích muối công nghiệp đạt 3.394 ha. Theo Bộ NN&PTNT, do thời tiết tháng 3 đã thuận lợi hơn, nhất là tại các tỉnh Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long nên sản lượng muối tăng, ước sản lượng muối cả nước đạt khoảng 546.352 tấn, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2012.

2. Diễn biến thị trường thực phẩm

Thực phẩm tươi sống: Giá thịt lợn và gà giảm mạnh, giá thịt bò, thủy sản và trứng tăng:

So với đầu tháng 5, giá thịt lợn và gia cầm tháng 6 giảm mạnh 15 – 40%. Cụ thể, thịt lợn 70.000 – 85.000 đ/kg (giảm 10.000 – 20.000đ/kg). Lợn hơi tại miền Bắc 38.000-41.000đ/kg (giảm 1.000-2.000đ/kg), miền Nam 35.000-38.000đ/kg (giảm 2.000 đ/kg).

Thịt gà ta giảm 5.000-15.000 đ/kg (Miền Bắc 120.000-130.000 đ/kg, Miền Nam 100.000-110.000 đ/kg). Thịt gà trắng (gà công nghiệp) giá giảm rất mạnh, bán tại chuồng chỉ 18.000 đ/kg, người nuôi lỗ 15.000-20.000đ/kg. Nhưng gà màu như Tam Hoàng, Lương Phượng (tức gà đỏ) giá chỉ giảm 10 - 20%, bán tại chuồng 28.000 - 30.000đ/kg (khoảng 2 tháng trước 36.000 - 38.000đ/kg). Tuy nhiên, giá bán tại chợ vẫn khá cao, trên 30.000đ/kg, có nơi 35.000 - 38.000 đ/kg.

Nguyên nhân giá giảm liên tục do đang bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu thực phẩm trong cả nước giảm mạnh, trong khi sức mua kém do kinh tế khó khăn, trong khi nguồn cung vẫn tăng mạnh. Tuy nhiên, nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch cúm A/H5N1, H7N9 đe dọa, mặc dù đến nay không còn địa phương nào còn dịch nhưng người tiêu dùng vẫn e ngại không dám mua.

Riêng thịt bò vẫn tăng: bò thăn Miền Bắc 225.000-240.000 đ/kg (tăng 5.000-10.000 đ/kg); Miền Nam 200.000-235.000 đ/kg (tăng 5.000 đ/kg).

Giá rau củ giảm: do thời tiết nắng nóng giá rau củ giảm mạnh từ 10 -15% so với tháng trước, do sức mua giảm, một phần do lượng cung quá cầu. Thời tiết tương đối thuận lợi, rau màu phát triển, hầu hết các cây trồng đều cho năng suất cao.

Dầu ăn trong nước cạnh tranh khó khăn với dầu nhập khẩu: dầu ăn Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia tràn ngập thị trường với giá rất rẻ. Cụ thể, dầu ăn Sailing Boat đóng chai tại Malaysia 43.000 - 45.000đ/chai 1l; dầu Omely (Indonesia) 38.000đ/chai 1lít; dầu đậu nành Cook (Thái Lan) 48.000đ/chai 1 lít…Giá tương đương hoặc chỉ cao hơn 2 - 5% so với giá dầu ăn sản xuất trong nước. Dầu ăn trong nước vẫn ổn định như hồi tháng 5: Cooking oil 245.000đ/can 10lít; Cooking Đệ nhất 70.000/can 2lít, dầu nành Tường An 80.000 đ/can 2l.

Trước thực trạng dầu thực vật nhập khẩu gia tăng, đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất dầu ăn nội địa, đồng thời theo đề nghị của các doanh nghiệp (DN) sản xuất dầu ăn trong nước, Bộ Công thương đã ra quyết định áp thuế suất thuế nhập khẩu tạm thời 5% đối với dầu đậu nành và dầu cọ nhập khẩu vào Việt Nam, áp dụng từ ngày 7/5/2013, trong thời gian không quá 200 ngày.

Giá đường giảm nhẹ so với tháng 5/2013. Giá đường trắng xuất khẩu bán lẻ 17.000-18.000 đ/kg; đường vàng 16.000đ/kg (giảm 500 – 1.000đ/kg).

Đến cuối tháng 5, cả nước sản xuất gần 1,5 triệu tấn đường, tăng 150.000 tấn so vụ trước. Hiện các nhà máy tồn kho khoảng 580.000 tấn đường. Cân đối nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 100.000 tấn đường/tháng, thì lượng đường tồn kho cơ bản đáp ứng, không xảy ra thiếu đường dù các nhà máy tạm nghỉ đến tháng 9 hoặc tháng 10-2013 mới vào vụ trở lại.

Đề giải quyết khó khăn cho ngành mía đường và giải phóng hàng tồn kho, Bộ Tài chính ban hành thông tư 79/2013/TT-BTC sửa đổi thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng đường thuộc nhóm 17.02 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Giá sữa tăng: Tháng 6 sữa Abbott thông báo tăng giá 10-15%, Gain Plus IQ tăng tới 32.000 đ/hộp 900gr (từ 440.000 đ/hộp lên 472.000 đ/hộp). Sữa bột Glucerna dành cho người tiểu đường tăng 57.000 đồng/hộp 900gr, lên mức 660.000-663.000 đ/hộp. Sữa Nestle tăng 8-9%. Sữa Physiolac tăng 15%. Thị trường liên tục lặp lại điệp khúc tăng giá. Quý 1, giá sữa đã được điều chỉnh 3 lần liên tiếp. Không chỉ sữa ngoại mà ngay cả sữa nội cũng được áp giá mới. Giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng từ 7-10%, thậm chí có loại tăng 13-15%. Sang đến đầu tháng 4, thị trường sữa lại đón nhận đợt tăng giá mới của các hãng sữa ngoại với việc nhãn hiệu sữa Nestle tăng thêm từ 8-9% tùy loại. Sữa Physiolac cũng tăng giá 15%. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, các nhãn sữa đã có sự điều chỉnh giá tới 5 lần.

Nguyên nhân: Các doanh nghiệp vẫn viện lý do chi phí đầu vào tăng, thay đổi mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng… nhưng Cục quản lý giá cho rằng, giá thu mua sữa tươi vẫn ổn định, thậm chí còn giảm nhẹ và giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng.

Thực tế thị trường sữa Việt Nam đang phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, nguồn nguyên liệu trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu tiêu dùng, chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Trong 70% nhập khẩu thì có 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm.

Giá muối phía Bắc tăng nhẹ do chưa vào vụ sản xuất; phía Nam giảm nhẹ, song vẫn giữ ở mức hợp lý có lợi cho diêm dân. Cụ thể giá muối từng khu vực như sau: Miền Bắc từ 1.900 - 2.500 đ/kg; Nam Trung Bộ: muối sản xuất thủ công từ 760 – 1.700 đ/kg, muối sản xuất công nghiệp từ 1.000 – 1.200 đ/kg; Đồng bằng sông Cửu Long: muối đen và vàng từ 800 - 900 đ/kg, muối trắng từ 1.000 – 1.700 đ/kg.

Những động thái thị trường

Tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng đường

Động thái này nhằm giải quyết khó khăn, giải phóng hàng tồn kho cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước.

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 79/2013/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng đường thuộc nhóm 17.02 tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Cụ thể, thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng đường và siro từ cây thích (mã 1702.20.00) tăng từ 3% lên 10%; glucoza và xiro glucoza, không chứa hoặc có chứa hàm lượng fructoza không quá 20% tính theo trọng lượng ở thể khô; glucoza và xiro glucoza, chứa hàm lượng fructoza ít nhất là 20% nhưng dưới 50% tính theo trọng lượng ở thể khô, trừ đường nghịch chuyển tăng từ 10% lên 15%.

Mặt hàng fructoza tinh khiết về mặt hoá học (mã 1702.50.00) và nhóm hàng fructoza, siro fructoza khác, chứa hàm lượng fructoza trên 50% tính theo trọng lượng ở thể khô, trừ đường nghịch chuyển (mã 1702.60) tăng từ 3% lên 15%.

Thuế suất các loại đường khác, kể cả đường nghịch chuyển và đường khác và hỗn hợp siro đường có chứa hàm lượng fructoza là 50% tính theo trọng lượng ở thể khô (nhóm 1702.90) tăng đồng loạt lên 15% thay vì 5% và 10% như trước kia.

Giảm lãi suất cho vay chăn nuôi: Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị 5 ngân hàng thương mại nhà nước giảm lãi suất cho vay phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm. Văn bản nêu rõ, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn) đã giảm, và tối đa chỉ ở mức 10%/năm.

3. Dự báo

Giá sữa trong thời gian tới sẽ tiếp tục biến động tăng. Bởi như thành một thông lệ, các hãng sữa đều nhìn vào động thái của nhau để cùng tăng giá.

Sản xuất dầu ăn trong nước sẽ còn nhiều khó khăn bởi hàng nhập khẩu vẫn có xu hướng tăng, cạnh tranh trực diện với hàng nội địa, bất chấp việc áp dụng biện pháp tự vệ với thuế nhập khẩu 5%. Nhiều chuyên gia nhận xét, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, như áp dụng biện pháp tự vệ (nâng thuế nhập khẩu)… chỉ là giải pháp tình thế, không mang tính lâu dài.

B. THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM THẾ GIỚI

Chỉ số giá thực phẩm thế giới của FAO tháng 6 giảm: Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thực phẩm tháng 6 giảm 2 điểm so với tháng 5 xuống còn 211,3 điểm. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này vẫn tăng 5,5%.

Hầu hết các chỉ số giá thành phần đều giảm, trừ giá thịt tăng 2%; trong đó, giảm mạnh nhất là giá đường và giá sữa.

Chỉ số giá lương thực thực phẩm FAO là chỉ số đo lường mức độ thay đổi về giá hàng tháng của 55 loại lương thực thực phẩm trên thế giới, được tính bằng trung bình của 5 chỉ số chính bao gồm ngũ cốc, dầu ăn/chất béo, các loại thịt, đường và sữa.

Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc là 236,5 điểm, giảm 2,5 điểm so với tháng 5 nhưng vẫn tăng 14 điểm so với tháng 6 năm ngoái. Dự kiến vụ mùa bội thu năm nay là lý do chính dẫn tới sự sụt giảm giá ngũ cốc, trong đó giá lúa mỳ giảm nhiều nhất do áp lực sản lượng cao khu vực Bắc Bán Cầu. Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại vẫn khá hạn chế tiếp tục hỗ trợ giá cho đến khi bắt đầu vụ thu hoạch năm nay khoảng trong tháng 10. Giá gạo thay đổi ít nhất trong tháng 6.

Chỉ số giá dầu, chất béo trung bình là 198 điểm trong tháng 6, thấp nhất 6 tháng qua. Trong đó, giá dầu đậu nành giảm nhiều nhất do sự gia tăng xuất khẩu của các nước Nam Mỹ. Trong khi đó, giá dầu cọ vẫn ổn định do sản xuất chậm lại và hàng tồn kho giảm tại khu vực Đông Nam Á.

Chỉ số giá sữa của FAO là 239 điểm, giảm 4,3% so với tháng 5. Chỉ số giá sữa giảm trở lại từ mức kỷ lục hồi tháng 4 và tháng 5 do thị trường tiêu thụ chậm lại. Giá sữa tăng giai đoạn trước do sản lượng cuối vụ tại New Zealand giảm, đây là nguồn cung sữa đến nhiều thị trường, trong đó có châu Âu và Mỹ.

Chỉ số giá thịt là 177 điểm, tăng 3,4 điểm tương đương 2% so với tháng 5. Mặc dù giá tăng nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy thịt mất dần vị thế mạnh trên thị trường do nhu cầu nhập khẩu giảm chủ yếu là các nước câu Á. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, sản xuất nội địa và nguồn dự trữ thịt tăng đáng kể.

Chỉ số giá đường giảm 7,5 điểm tương đương 3% so với tháng 5 xuóng còn 242,6 điểm. Giá đường giảm tháng thứ 3 liên tiếp do dự kiến nguồn cung dư thừa tại các khu vực sản xuất chính, đặc biệt là ở Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, mặc dù mưa lớn làm chậm thu hoạch khu vực trồng mía đường chủ yếu của Brazil.

 PHỤ LỤC

 Giá tham khảo một số mặt hàng thực phẩm tháng 6 tại Hà Nội

Mặt hàng

Giá (đ/kg)

Thịt lợn mông, chân giò

70.000-75.000(-10.000)

Thịt nạc thăn

85.000(-5.000)

Sườn loại 1

90.000(-10.000)

Xương

40.000(-10.000)

Thịt gà công nghiệp nguyên con

45.000(-10.000)

Đùi gà công nghiệp

47.000(-5.000)

Lườn gà công nghiệp

35.000

Cánh gà công nghiệp

60.000(-10.000)

Gà ta

85.000

Cá chép

70.000-85.000 (+5.000)

Cá quả

115.000-120.000

Tôm sú

175.000-190.000(+5.000)

Trứng vịt

30.000-37.000đ/chục

Trứng gà CN

24.000-30.000đ/chục

Rau dền, rau ngót, mùng tơi

1.000đ/mớ

Bí xanh

5.000(-1.000)

Mướp

6.000(-2.000)

Cà chua

10.000(-1.000)

Rau muống

3.000(-1.000)

Rau khoai lang

2.000(-1.000)

Rau má

8.000(-2.000)

Khoai tây Đà Lạt

16.000(-3.000)

Bầu

6.000(-2.000)

Chanh

20.000(-5.000)

Đậu đỗ

8.000(-2.000)

(Vinanet.com.vn)