Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế khiến nhu cầu của thị trường thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước châu Á teo lại, các chuyên gia kinh tế kêu gọi châu lục này -vốn được mệnh danh là "công xưởng của thế giới"- bớt "dựa dẫm" vào nhu cầu từ bên ngoài và đẩy mạnh mua sắm tại thị trường nội địa.
Các nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng, khi người tiêu dùng từ Mỹ tới châu Âu đều "thắt lưng buộc bụng". Trong tháng 1/09, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động xuất khẩu tại các nền kinh tế châu Á khác như Nhật Bản và Đài Loan cũng suy sụp, với mức giảm lần lược là 35% và 41,9% trong tháng 12/08. Đặc biệt, tại Trung Quốc - động lực tăng trưởng chủ chốt của khu vực trong nhiều năm, xuất khẩu giảm 2,8% trong tháng 12/08, tháng giảm thứ hai liên tiếp và là mức lớn nhất trong một thập kỷ.
Người đứng đầu Viện nghiên cứu thuộc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ông Masahiro Kawainhận định rằng tình trạng này cho thấy các nền kinh tế châu Á phải xem xét lại mô hình xưa cũ "người châu Á sản xuất, người Mỹ tiêu thụ", đồng thời phải khởi động xúc tiến tiêu dùng nội địa. Theo ông, châu Á cần tiếp tục duy trì vai trò là công xưởng của thế giới, nhưng người châu Á phải chi tiêu nhiều hơn.
Còn chuyên gia kinh tế của ngân hàng HSBC, Frederic Neumann cho rằng mặc dù các chính phủ châu Á đã tung ra một loạt các kế hoạch kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhưng vẫn cần có các cuộc cải cách sâu rộng hơn. Nếu xu hướng đi xuống của kinh tế toàn cầu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, các chính phủ châu Á có thể thoát hiểm với những thay đổi rất nhỏ. Nhưng nếu tới năm 2010 mà kinh tế Mỹ không vực dậy, thì châu Á sẽ phải đối mặt với những thách thức về cơ cấu. Và chìa khóa đối với những thay đổi này, theo ông Neumann, là phải xử lý một trong những điểm mạnh truyền thống của châu Á - đó là tỷ lệ tiết kiệm cao, và để người dân cảm thấy thoải mái hơn khi chi tiêu.
Theo ông Kawai, Chính phủ Trung Quốc cần đưa ra một hệ thống trợ cấp lương hưu, chăm sóc y tế và giáo dục an toàn hơn, đồng thời tập trung thúc đẩy kinh tế tại các vùng nông thôn nghèo. Còn Ấn Độ và các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần xúc tiến đầu tư, tăng cường chi tiêu nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, chính phủ các nước châu Á cần tránh các chính sách như đánh tụt giá trị tiền tệ, trợ cấp xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Theo chuyên gia kinh tế William Wallace của Ngân hàng thế giới (WB), ích lợi của việc giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và tập trung vào nhu cầu nội địa đã được minh chứng với trường hợp của Inđônêxia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong nhiều năm, Inđônêxia xếp sau Việt Nam và Thái Lan về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhưng nước này cho đến nay đã đối phó với khủng hoảng tương đối tốt, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 ước đạt 4,5-5,5%.

Nguồn: Vinanet