Trong những năm gần đây, công ty điện thoại hàng đầu Nam Phi Vodacom và công ty điện thoại cố định lớn nhất nước này là Telkom cùng với các công ty viễn thông quốc tế khác đang trở thành những "người chơi" quan trọng trên thị trường châu Phi. Gần đây, các tổng giám đốc của Vodacom và Telkom đã bày tỏ tham vọng mở rộng hoạt động trên khắp châu Phi, khuyến khích mở ra một giai đoạn củng cố thị trường chưa phát triển của châu lục này, với hy vọng thách thức vai trò chi phối của MTN, công ty điện thoại di động hàng đầu của tiểu sa mạc Xahara với hơn 55 triệu khách thuê bao ở 16 nước. Trong bối cảnh thị trường trong nước đang trở nên bão hoà, Vodacom và MTN lâu nay đã coi việc mở rộng hoạt động sang phần còn lại của châu lục đen là một cách thức để duy trì đà tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, cho đến đầu tháng này, khả năng của Vodacom theo đuổi một chiến lược như vậy đã bị hạn chế bởi quyền sở hữu 50-50 của Vodafone (Anh) và Telkom.
Để đảm bảo thêm 15% cổ phần kiểm soát trị giá 2,2 tỷ USD, Vodafone có kế hoạch sử dụng Vodacom như một "ống dẫn" để tiến vào các thị trường đang nổi phát triển nhanh của châu Phi. Ngoài Nam Phi, Vodacom hiện có khoảng 35 triệu khách hàng ở 4 nước châu Phi, cùng với sự hiện diện của Vodafone tại 3 nước khác, kể cả Kênia. Ngày 18/11, Tổng giám đốc Vodacom, Pieter Uys, đã công bố kết quả kinh doanh của hãng trong 6 tháng tính đến cuối tháng 9/08, cho thấy lượng khách hàng thuê bao bên ngoài Nam Phi đã tăng 27%. Với việc thị phần trong nước giảm 3 điểm phần trăm xuống 53%, công ty này đang nghiên cứu các cách thức để mở rộng hoạt động sang các thị trường nước ngoài khác, như Angôla -một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất của châu Phi- và Nigêria, nơi mà tiềm năng phát triển của ngành viễn thông vẫn còn rất lớn.
Gần đây, Telkom và Vodacom đã mua lại một số công ty cung cấp các dịch vụ liên kết nối hệ thống viễn thông châu Phi. Tuy nhiên, các công ty này đang tham gia vào một thị trường ngày càng đông đúc. Sau sự thất bại của các vụ thương lượng với 2 công lớn của Ấn Độ, MTN cũng đang tìm cách mở rộng sang các thị trường mà họ được xem như là công ty hàng đầu, và nghiên cứu các thương vụ chuyển nhượng tiềm năng khác.
Trong khi đó, công ty viễn thông France Telecom (Pháp) đang mở rộng ra ngoài thị trường của họ ở vùng Tây Phi nói tiếng Pháp bằng cách đưa thương hiệu điện thoại di động Orange vào Uganda, thuộc khu vực châu Phi nói tiếng Anh. Theo Giám đốc bộ phận phát triển quốc tế của Orange, Anne Bouverot, đây là một cơ hội tốt đối với France Telecom, vì số người sử dụng điện thoại di động ở hiện chỉ chiếm 17% dân số. Với một số dân khá lớn và nền kinh tế tăng trưởng mạnh, Uganda đã trở thành một thị trường có "tiềm năng phát triển nhanh". Tuy nhiên, France Telecom -hiện đang hoạt động tại 16 nước châu Phi- sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với các tập đoàn viễn thông châu Phi như MTN, Celtel, Uganda Telecom. Đầu tư vào Uganda là bằng chứng cụ thể đầu tiên trong tham vọng mở rộng vào châu Phi của France Telecom.
Ngoài ra, công ty điện thoại di động Zain, đóng trụ sở tại Côoét với một mạng lưới đại lý ở 22 nước châu Phi và Trung Đông đã phát triển mạnh thị trường thuê bao lên 33 triệu khách hàng ở 16 nước châu Phi. Will Hahn, nhà phân tích thuộc công ty tư vấn công nghệ Gartner, nhận xét rằng "tiềm năng phát triển viễn thông thật 'khởi sắc', và thị trường này vẫn rất dồi dào". Ông tính toán rằng châu lục này mới chỉ có trung bình 4,7 điện thoại cố định/100 dân (con số này của các châu lục khác không thấp hơn 16 máy/100 dân), và chỉ có 41 điện thoại di động/100 dân (ở Mỹ La tinh là 75 máy/100 dân).
Ông Uys đã bóng gió rằng chiến lược mở rộng của Vodacom có thể sẽ là các vụ chuyển nhượng, và nói thêm ông có kế hoạch chuyển công ty này từ một công ty điện thoại di động truyền thống thành một công ty với các dịch vụ thông tin liên lạc đa dạng, kể cả cung cấp các sản phẩm Internet và dữ liệu. Một động thái như vậy sẽ mở rộng một loạt giấy phép theo đó Vodacom có thể can dự vào các nước mới.
Trong khi đó, công ty nhà nước Telkom sẽ phân phối quyền lợi còn lại của họ trong Vodacom giữa các cổ đông, từ bỏ thoả thuận với Vodafone không tham gia vào lĩnh vực điện thoại di động. Telkom có một quỹ trị giá 9 tỷ rand (888 triệu USD) từ thoả thuận này, và Tổng giám đốc Telkom, Reuben September, cho biết ông đang soạn thảo một "danh sách hàng hoá" có thể kể cả các vụ chuyển nhượng hoặc các mối quan hệ đối tác ở Nigêria và Angôla, trung tâm phía Đông châu Phi của Kênia và Xuđăng. Ông cũng đưa ra kế hoạch đầy tham vọng là tăng tỷ lệ doanh thu của Telkom bên ngoài Nam Phi lên 35% từ một con số không đáng kể trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, công ty này đang đứng phải đối mặt với việc chi phí nhân công trong nước gia tăng, góp phần làm giảm 9% lợi nhuận của công ty xuống 6,7 tỷ rand. Tuy nhiên, Multi-Links phụ trách hoạt động ở Nigêria của Telkom, cho biết doanh thu ở nước này đã tăng 162% lên 813 triệu rand, nhờ lượng khách hàng thuê bao tăng 580% lên 1,8 triệu người.
Mặc dù có những tham vọng mở rộng hoạt động, các tổng giám đốc của hai tập đoàn này khẳng định do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, họ sẽ phải thận trọng hơn trong kế hoạch mở rộng sang các nước có môi trường kinh doanh khó khăn. Đây sẽ là một thử thách đối với các công ty viễn thông Nam Phi, song cũng là một cơ hội hiếm hoi để tham gia vào các thị trường đang nổi lên tiềm năng như Angôla, Nigêria hoặc Êthiôpia.
Vietstock

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam