Giá bông tăng giảm bất ngờ do yếu tố khách quan và đầu cơ làm ảnh hưởng không nhỏ các doanh nghiệp sản xuất sợi, vải trong nước. Là nước đứng thứ 5 nhập khẩu bông trên thế giới nhưng Việt Nam chưa thể “tham gia” vào khâu điều tiết giá cả. Hướng đi chính vẫn là tìm các đối tác cung cấp nguồn bông mới.

Chưa thể “tham gia” điều tiết giá

Những tháng đầu năm giá bông có thời điểm lên tới 5 USD/kg nhưng hiện chỉ khoảng 2,5 - 2,6 USD/kg. “Tuy nhiên, vấn đề  phức tạp nhất hiện nay là nhiều doanh nghiệp mua bông ở giá cao trong khi hiện tại giá sợi xuống thấp hơn giá bông thì phải xử lý bài toán đó như thế nào để bán được hàng mà doanh nghiệp không bị thiệt hại nhiều”,  ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết. Nhưng 6 tháng cuối năm ông Sơn cho rằng là thời điểm tốt để các doanh nghiệp bán được hàng.

Ông Sơn lý giải, nguyên nhân chính đẩy giá bông lên cao là do một số nước mất mùa và cùng thời điểm bông trên thị trường còn rất ít. Trong khi nền kinh tế của EU và Mỹ có nhiều biến động đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục (trên 1800USD/ouz). Trong khi, ngoài vàng thì bông xơ cũng là mặt hàng chiến lược mà các nhà đầu cơ quan tâm.

Hiện nay Việt Nam là một nước xuất khẩu dệt may lớn và đứng thứ 5 về nhập khẩu bông trên thế giới có nghĩa đang là đối tác rất quan trọng của những nước xuất khẩu bông. Nhưng do mới phát triển nên những quy luật của thị trường quốc tế, sở giao dịch, mua kỳ hạn… vẫn còn đang là những điều đang bỡ ngỡ đối với các doanh nghiệp. Do đó, chưa thể “tham gia” vào khâu điều tiết giá bằng cách liên kết với các nước khác.

Theo ông Sơn, “trong giai đoạn này Việt Nam chưa làm được gì nhiều, nên tiếp tục phối hợp với các nước để tổ chức các hội thảo giới thiệu về thị trường, xu thế biến động, môi trường sản xuất, kinh doanh, kỳ hạn, đầu cơ… để các doanh nghiệp có thêm kiến thức đầy đủ hơn, tốt hơn và từ đó chủ động trong vấn đề mua nguyên liệu lựa chọn đối tác để có được giá cả có lợi cho các doanh nghiệp”.

Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng cung cấp  các thông tin tình hình sản xuất, mùa màng, lượng bông tồn kho… trên thị trường quốc tế cho các doanh nghiệp nắm bắt thông tin để có quyết định mua bán cho phù hợp.

Nguồn kênh trực tiếp từ Phi Châu

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển tương xứng với ngành dệt may. Sản xuất bông xơ trong nước mới đạt 7 nghìn tấn. Năm 2010, Việt Nam nhập tới 357,3 nghìn tấn bông. Các nguồn chính cung cấp cho Việt Nam là từ Mỹ (35%), Ấn Độ (32%), Châu Phi (19%) và các thị trường khác là (14%).

Trong khi, tháng 8 là mùa dệt vải, các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc… bắt đầu tăng mua vào. Kèm theo lượng sợi tồn kho của Ấn Độ và Pakistan đang ở mức rất thấp vì vậy ngoài việc phải thu mua đáp ứng đơn hàng hiện tại thì còn tăng trữ dành cho các đơn hàng tương lai.

Giá bông biến động trong khi là một thị trường nhập khẩu bông lớn do đó cần nguồn cung nguyên liệu đầu vào ổn định cho ngành dệt may Việt Nam.

Trong khi đó, thị trường bông ở thị trường Châu Phi có giá khá mềm. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp nội vẫn phải mua qua trung gian và thiếu hệ thống ngân hàng hỗ trợ giao dịch.

Tuy nhiên, sản lượng bông ở các nước Châu Phi chưa lớn nhưng là một sản phẩm chủ đạo khi điều kiện kinh tế khá hơn các nước này sẽ đẩy mạnh sản xuất. Do đó, cần thiết lập kênh thông tin trực tiếp để có nguồn bông chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Ở Châu Phi bông được hái bằng tay, cán bằng trục gai hoặc trục da nên tỷ lệ xơ ngắn thấp, tỷ lệ đồng đều về sợi tương đối cao, độ cường lực và độ chín tốt. Tuy nhiên, quá trình phân loại chưa áp dụng kỹ thuật tiên tiến như Mỹ…dẫn đến tỷ lệ bông tạp cao gồm lá cây, cọng hạt,…

Các nước ở vùng Đông Phi như Sudan còn có loại ruồi hay đến đẻ vào lúc quả bông nở làm hàm lượng đường trong bông xơ cao khi đưa vào máy chạy suốt bị cuốn. Phải phối với một tỷ lệ nhất định các loại bông khác thì mới hiệu quả. Số ít các doanh nghiệp ít tiền nhập từ một nguồn và sử dụng luôn đã gặp nhiều trở ngại.

(DVT)

Nguồn: Tin tham khảo