Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả cả nước trong tháng 4/2008 đạt 29,6 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm 2008 lên 118,1 triệu USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 13% so với tháng 3/2008. Phần lớn mặt hàng rau quả nước ta được xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga...trong đó lượng hàng xuất vào thị trường EU chiếm một tỉ trọng rất nhỏ.
Nhu cầu nhập khẩu rau quả tại châu Âu hàng năm gần 80 triệu tấn trái cây tươi, trên 62 triệu tấn rau tươi, trong đó tỉ lệ nhập khẩu từ các nước đang phát triển chiếm từ 35-40%. Các sản phẩm trái cây của Việt Nam vào EU là xoài, dứa, vải, nhãn, chuối, thanh long, bơ, măng cụt, sầu riêng nhưng thị phần rất nhỏ bé. Tương tự, các loại rau của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này gồm ớt, khoai môn, cải bắp, dưa leo, cà tím cũng chiếm vị trí rất khiêm tốn, trung bình một năm chỉ khoảng 5,5-6 tấn.
Theo nhận định của Hiệp hội trái cây Việt Nam, thách thức mà trái cây Việt Nam đang phải đối mặt là thực hiện các luật, hiệp định và cam kết khi gia nhập WTO nhằm bảo vệ người tiêu dùng, trong đó chứng chỉ GAP là một trong những yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện các yêu cầu kỹ thuật theo chứng chỉ GAP hoàn toàn không phải dễ dàng. EU là thị trường rộng lớn nhưng khó tính, trong khi đó điểm yếu của nông sản Việt Nam là sản lượng ít, xuất xứ không rõ ràng khiến cho người tiêu dùng nước ngoài phải than phiền về chất lượng. Trước tình hình này Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM đã ký kết hợp tác với Tổ chức CBI của Bộ Ngoại giao Hà Lan nhằm hỗ trợ trọn gói các quy trình xuất khẩu sang EU để nông sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này.
(Thanh niên)

Nguồn: Vinanet