Vài năm gần đây, giá càphê nhân, hồ tiêu tăng cao và ổn định kéo dài, nhất là hồ tiêu nên đã thu hút nông dân các dân tộc đổ xô vào mở rộng diện tích càphê, hồ tiêu không theo quy hoạch làm cho diện tích hai loại cây này vượt xa so với quy hoạch đến năm 2020.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk ổn định 190.000 ha càphê và 5.000 ha hồ tiêu nhưng hiện nay, tỉnh đã có 204.500 ha càphê và trên 16.000 ha tiêu. Diện tích cây càphê, hồ tiêu đã có mặt ở 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là địa phương có diện tích càphê, hồ tiêu nhiều nhất nước.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, ngành hàng càphê, hồ tiêu của tỉnh đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 300.000 lao động trực tiếp và hơn 100.000 lao động gián tiếp đóng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, củng cố quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Chỉ riêng đối với cây càphê, Đắk Lắk chiếm 40% diện tích càphê của cả vùng Tây Nguyên và 30% diện tích càphê của cả nước, với sản lượng trên 450.000 tấn càphê nhân/năm.

Đặc biệt, càphê, hồ tiêu là những mặt hàng nông sản chiếm trên 86% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông sản và đóng góp trên 20% tổng thu ngân sách địa phương. Đời sống người dân ở các vùng trồng càphê, hồ tiêu của tỉnh đã từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng lên, số hộ nghèo giảm nhanh. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư xây dựng từ nguồn thu xuất khẩu càphê như điện, đường, trường, trạm phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống. Bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện rõ.

Tuy nhiên, cũng theo sự đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, việc tăng trưởng “nóng” của cây càphê, hồ tiêu không theo quy hoạch, kế hoạch về diện tích dẫn đến hệ lụy rừng bị tàn phá, thu hẹp dần, đất bị rửa trôi năng suất. Sản lượng tăng nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, hiệu quả kinh tế mang lại còn ở mức thấp. Mặt khác, môi trường sinh thái trong vùng trồng càphê, hồ tiêu ngày càng bị ô nhiễm, mất tính ổn định gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của các vùng nông thôn.

Nghiêm trọng hơn, phần lớn diện tích càphê, hồ tiêu trồng ngoài vùng quy hoạch đều xa nguồn nước hoặc không chủ động được nguồn nước, trồng trên những chân đất không thích hợp, nguồn giống không rõ nguồn gốc nên thường bị dịch bệnh, năng suất kém, hiệu quả kinh tế không cao. Thậm chí, nhiều hộ gia đình còn mất trắng hàng trăm triệu đồng do vườn càphê thiếu nước tưới bị chết khô hoặc các vườn tiêu bị các bệnh chết nhanh, chết chậm.

Ngay trong mùa khô năm 2015 vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã có 47.835 ha càphê bị thiếu nước tưới làm chết đứng vườn cây hoặc khô cành, chủ yếu trồng ngoài vùng quy hoạch gây thiệt hại cho nông dân hàng nghìn tỷ đồng.

Để khắc phục tình trạng phát triển cây càphê, hồ tiêu ồ ạt như trên, tỉnh Đắk Lắk đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển càphê bền vững và phấn đấu đến năm 2020 giảm diện tích càphê xuống còn 170.000 ha, hàng năm đạt sản lượng từ 450.000 tấn càphê nhân trở lên. Những diện tích càphê già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kém, không chủ động được nguồn nước, không nằm trong vùng quy hoạch, tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn hoặc trồng tái canh bằng các giống mới để mang lại hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tốt yêu cầu xuất khẩu.

Tỉnh cũng khuyến cáo nông dân chuyển đổi những vườn tiêu ở những chân đất không thích hợp sang trồng các loại cây trồng khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời, không mở rộng diện tích mà chỉ đi sâu vào đầu tư thâm canh ở những vườn tiêu có chân đất thích hợp, ít sâu bệnh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Quang Huy

Vietnam+

Nguồn: Vietnam+