Hiện tại, ở Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu dây điện, cáp điện, trong đó chủ yếu là các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài để đầu tư sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này với qui mô lớn và có dây chuyền công nghệ hiện đại. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dây và cáp điện đạt con số khá cao, nhưng chủ yếu vẫn là từ các doanh nghiệp liên doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chuyên sản xuất dây đèn cho ôtô.
Nhu cầu thị trường thế giới đối với mặt hàng dây điện, cáp điện chỉ tăng ở mức khoảng 3-4%/năm, song không cản trở nhiều đến triển vọng xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam do tỉ trọng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam còn nhỏ bé, lại tập trung vào một số thị trường ngách với những sản phẩm có chất lượng cao.
Thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam đối với mặt hàng dây và cáp điện là Nhật Bản chiếm 90%. Trong thời gian sắp tới, việc triển khai tốt Chương trình hành động của Sáng kiến chung Việt - Nhật sẽ giúp doanh nghiệp Nhật đầu tư mạnh vào sản xuất các mặt hàng này tại Việt Nam và khuyến khích họ tăng cường xuất khẩu trở lại Nhật. Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu khá nhiều mặt hàng này vào các thị trường như Hàn Quốc, Australia, Hồng Kông và các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu lớn nhất thế giới hiện nay về dây và cáp điện là Mỹ, Đức, Trung Quốc, Mexico và Pháp. Đây là nhóm thị trường tiềm năng và nước ta có thể tập trung khai thác.
Như vậy, cùng với xu hướng tăng cường đầu tư và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, mặt hàng này có rất nhiều khả năng mở rộng được xuất khẩu, khó khăn lớn nhất ở đây vẫn là vấn đề thuế nhập khẩu nguyên liệu và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc tăng cường khả năng liên kết và hỗ trợ của các ngành sản xuất phụ trợ, đặc biệt là ngành nhựa cũng rất quan trọng.
Các giải pháp cụ thể:
Xem xét, điều chỉnh chế độ và mức thuế VAT cũng như thuế xuất khẩu đối với một số loại nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất dây điện, cáp điện trong nước để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.
Tăng cường khả năng liên kết và hỗ trợ của các ngành sản xuất phụ trợ, đặc biệt là ngành nhựa.

Nguồn: Vinanet