Số liệu của Hiệp hội Mía đường, bắt đầu từ tháng 5 giá đường trắng tinh luyện liên tục tăng, từ 9.000 đồng lên 10.500 đồng/kg. Đến tháng 8, giá đường bất ngờ vọt lên 13.000 - 14.000 đồng/kg (tăng 33,3%). Và từ đầu tháng 8 đến nay, giá bán lẻ đường trắng tinh luyện luôn ở mức 15.000 - 16.000 đồng/kg, tăng khoảng 50 - 65% so với đầu năm.
Nguyên nhân giá đường tăng, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường phân tích: Do sản lượng đường toàn cầu vụ 2008 - 2009 thiếu hụt 4,2 triệu tấn so với nhu cầu tiêu dùng đã đẩy giá đường hiện nay tăng 60,2% so với đầu năm 2009 và tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trong vụ 2008 - 2009, Việt Nam sản xuất được 951.000 tấn đường các loại (gồm đường thô, đường RS và đường RE), nhưng sản lượng đường RS là chủ yếu và đây là sản lượng đạt được thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chính diễn biến này đã kéo giá đường trong nước tăng theo.
Niên vụ 2009 - 2010, diện tích trồng mía tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 52.500 ha, giảm 12.500 ha so với niên vụ trước. Dự kiến sản lượng mía trong niên vụ 2009 - 2010 đạt khoảng 3,8 triệu tấn, chỉ đủ cho 10 nhà máy đường trong vùng (tổng công suất 23.000 tấn /ngày) hoạt động trong thời gian 165 ngày trong năm, ít hơn niên vụ 2008 - 2009 là 35 ngày.
Trên thị trường hiện nay có hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng lượng đường lớn, trong khi đó chỉ có trên 30 doanh nghiệp trong nước sản xuất đường. Vấn đề hiện nay là hệ thống phân phối chưa hợp lý.
Theo các chuyên gia, mặc dù có sự chênh lệch về giá nhập khẩu và giá trong nước, nhưng khả năng để các doanh nghiệp nhập khẩu đường cũng không nhiều, bởi đã cận kề vụ thu hoạch mía và thủ tục xin quota cho nhập khẩu đường cũng chẳng dễ dàng. Bên cạnh đó, nếu Việt Nam nhập khẩu ồ ạt một số lượng lớn đường chắc chắn sẽ gây tác động lớn tới các nhà sản xuất đường trong nước.
Bộ Công Thương dự kiến cho phép các doanh nghiệp lớn nhập thêm 10.000 tấn đường trong thời gian tới để làm dịu cơn sốt đường trong nước.