Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Các giám đốc ngành nhựa và cao su Việt Nam, việc Mỹ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm nhựa VIệt Nam không gây tác động nhiều đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nhựa. Nguyên nhân, là do số doanh nghiệp bị kiện chỉ hciếm 3% trong tổng số 2.800 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa. Hơn nữa, các doanh nghiệp ngành nhựa không bị phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, mà thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực là nội địa.
Hầu như tất cả các ngành nghề đều cần sản phẩm của ngành nhựa để đáp ứng nhu cầu đóng gói bao bì. Đối với sản phẩm giày thể thao, ngành nhựa đóng góp 80-90% ngyên liệu hình thành nên một đôi giày. Tiềm năng phát triển của ngành nhựa rất lớn và đầu ra cho sản phẩm luôn được đảm bảo, rất nhiều nhà máy nhựa ở Việt Nam đã cung cấp các loại đế giày đáp ứng tốt các yêu cầu của các tập đoàn lớn trên thế giới như Nike, Adidas… Vì vậy, việc Mỹ áp dụng các quy định chống bán phá giá đối với sản phẩm bao bì nhựa Việt nam, cũng cho thấy, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đã có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp ngành nhựa hiện nay là giá nguyên liệu đầu vào. Do nguyên liệu nhựa đều được sản xuất từ phụ phẩm dầu mỏ, nên có đến 97% nguyên liệu sử dụng trong ngành nhựa là phải nhập khẩu, phần còn lại là tái chế từ nguyên liệu nhựa phế thải trong nước. Không những thế, việc giá nguyên liệu nhựa nhập khẩu biến động khó lường (lúc đỉnh điểm lên tới 2.000 USD/tấn), cũng góp phần đẩy các doanh nghiệp nhựa vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.
Tuy nhiên, tình trạng phụ thuộc nhập khẩu của các doanh nghiệp ngành nhựa thời gian tới sẽ được giảm bớt, khi mới đây, Nhà máy lọc dầu Dung Quất cùng với 2-3 khu vực lọc hoá dầu đã được đưa vào hoạt động, góp phần bình ổn nguồn nguyên liệu nhựa.