Ấn Độ và Trung Quốc dự trữ lượng lớn phân bón để đảm bảo cho sản xuất lương thực trong khi tình hình nguồn cung và giá cả phân bón tại châu Phi và Pakistan rất căng thẳng.
Cuộc khủng hoảng phân bón có nguyên nhân do giá dầu cao và cuộc chạy đua sản xuất nhiên liệu sinh học của Mỹ. Sẽ có thêm nhiều nông dân nghèo trên thế giới và hàng triệu người khác bị đẩy vào cảnh đói nghèo.
Nhiều quan điểm tích cực cho rằng giá hàng hóa tăng cao sẽ giúp nhiều nước đang phát triển thoát khỏi cảnh đói nghèo và thúc đẩy sản xuất lương thực. Tuy nhiên trên thực tế, những nông dân nghèo không có khả năng tiếp cận với thị trường thế giới để bán thực phẩm ở giá cao.
Một bản báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy giá phân bón sẽ còn đứng ở mức cao trong ít nhất 3 năm tới.
15 tháng gần đây, giá phân bón thế giới tăng gấp đôi, tại nhiều nơi, giá phân bón còn tăng gấp 5 lần. Nông dân Mỹ trồng thêm nhiều loại cây trồng phục vụ cho sản xuất nhiên liệu sinh học và những nước như Ấn Độ hay Trung Quốc mua phân bón với trữ lượng lớn để đảm bảo sản xuất lương thực của nước họ.
Ở một số nước đang phát triển như Ấn Độ, Kenya, Nepal, Nigeria, Ai Cập, Pakistan và Đài Loan, nông dân đã biểu tình phản đối tình trạng giá phân bón tăng cao.
Những nông dân tại khu vực châu Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá phân bón cao bởi họ không có cơ hội bán thực phẩm ra thế giới với giá cao, mặt khác giá thành sản xuất tăng cao bởi giá phân bón tăng quá nhanh.
Theo trung tâm dinh dưỡng đất và phát triển nông nghiệp Mỹ(IFDC), nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao là một số nông dân sử dụng thật nhiều phân bón để tăng tối đa năng suất. Họ cố gắng sản xuất được nhiều sản phẩm để bán thu lời lớn khi giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao.
Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho rằng nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao là hạn chế về nguồn cung. Nhu cầu phân bón quá lớn khiến việc sản xuất tăng cường đến mức đỉnh điểm. Tình hình này sẽ kéo dài cho đến khi khả năng sản xuất được cải thiện.
Trước đây, giá phân bón thuộc kiểm soát của chính phủ bởi lý do chính trị. Tuy nhiên giảm giá phân bón trong thời điểm khủng hoảng hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực khác như giáo dục hay y tế.
So với năm 2004, năm nay Ấn Độ dự kiến tăng gấp 6 lần số tiền hỗ trợ giá phân bón. Malawi vay hàng triệu USD để đưa ra chương trình hỗ trợ giá phân bón. Tuy nhiên gần đây, chính phủ nước này đã phải cay đắng thừa nhận chương trình hỗ trợ này thực chất có lợi cho người giàu nhiều hơn người nghèo bởi phân bón vẫn được bán cho người nghèo ở mức giá cao.
Một số chuyên gia nông nghiệp và phát triển cho rằng thế giới không còn nhiều lựa chọn ngoài việc sử dụng ngày một nhiều phân bón để tăng năng suất nông nghiệp. Dân số tăng cao, tầng lớp trung lưu tiêu thụ ngày một nhiều thực phẩm, người nông dân chỉ có cách dùng phân bón để tăng nguồn cung thực phẩm.
( CafeF)

Nguồn: Internet