Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Lương thực tại Rome trong 3 ngày, 16-18/11/2009 để thảo luận về an ninh lương thực, đưa ra những cảnh báo về số người nghèo đói trên trái đất ngày một tăng - những người khó có thể lo cho đủ bữa ăn cho gia đình bởi giá quá cao.

Theo FAO, nhu cầu nông sản tăng không chỉ vì mục đích lương thực mà cả năng lượng trong khi thiếu đầu tư để cải thiện công suất sản xuất ở các nước đang phát triển sẽ giữ giá nông sản trong trung hạn duy trì ở mức cao hơn so với năm 2006 – năm trước khi xảy ra khủng hoảng lương thực.

Do giá dầu mỏ tăng, thế giới đang phải dành một phần không nhỏ sản lượng nông sản để làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học. Đó là những sản phẩm như ngô, sắn, mía, dầu cọ….

Trong một báo cáo hợp tác, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và FAO dự báo giá nông sản trung bình trong giai đoạn 2009 – 2018 sẽ cao hơn 10-20% so với những năm 1997-2006, trong đó giá dầu thực vật sẽ tăng trên 30%.

Giá thịt và sữa sẽ tăng ít hơn so với những loại nông sản khác trong giai đoạn 2009 – 2018 bởi cung những hàng hoá này có thể điều chỉnh dễ dàng trong ngắn hạn, và cầu thì rất nhạy cảm với mức thu nhập của người tiêu dùng.

Giá thịt sẽ không vượt quá mức trung bình của giai đoạn 1997-2006, trong khi giá sữa và các sản phẩm sữa sẽ tăng nhẹ, bởi chi phí sản xuất (giá năng lượng và giá dầu thực vật) tăng.

Giá ngũ cốc thế giới đã giảm 30% trong 9 tháng đầu năm, song từ tháng 10 đã nhen nhóm một cuộc khủng hoảng giá gạo – lương thực chính của hơn nửa dân số trên trái đất.

Hạn hán và lũ lụt ở Ấn Độ và mấy cơn bão lớn liên tiếp ở Philippine đã tàn phá mùa lúa của hai nước có vai trò rất quan trọng trên thị trường gạo thế giới này. Giá gạo trên thị trường Chicago đã tăng 36% từ mức thấp nhất của năm nay là 11,195 USD/45 kg ngày 16/3/2009. Tại Châu Á, gạo Thái Lan và Việt Nam cũng tăng giá khoảng 30 – 50 USD/tấn từ đầu tháng tới nay, với gạo 100% B của Thái Lan hiện đạt 550 USD/tấn, trong khi gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 460 USD/tấn.

Việc Philippine và Ấn Độ tham gia thị trường nhập khẩu gạo vào thời điểm bất thường hiện nay đang tạo cơ hội cho Thái lan và Việt Nam.

Sau khi giảm trong 4 tháng liên tiếp, giá lúa mì đã đảo chiều tăng vào tháng 10, tăng 10,6%, trong khi giá ngô cũng tăng 10% trong cùng tháng. Kinh tế thế giới hồi phục đẩy nhu cầu tăng, trong khi thời tiết không thuận lợi ở Mỹ - nước sản xuất lúa mì và ngô hàng đầu thế giới – đã hậu thuẫn hai loại nông sản này. Tuy nhiên, giá lúa mì hiện vẫn thấp hơn 56% so với mức đỉnh cao hồi tháng 3/2008, trong khi giá ngô thấp hơn 56%.

Dưới đây là chỉ số giá những hàng hoá và thực phẩm chính do các chuyên gia kinh tế của FAO đưa ra, lấy 100 là chỉ số giá trung bình giai đoạn 2004-2006.

Chỉ số Giá Thực phẩm (Food Price Index) là trung bình của chỉ số giá 6 nhóm hàng hoá

 

2009

 2008

 2007

 2006

 Chỉ số giá thực phẩm

 147,9

190,9

154,1

122,4

Chỉ số giá thịt

 117,7

128,3

112,1

106,7

Chỉ số giá sữa

127,5

219,6

212,4

128,0

Chỉ số giá ngũ cốc

174,2

237,9

166,8

121,5

Chỉ số giá dầu thực vật

 146,8

225,4

169,1

112,0

Chỉ số giá đường

243,9

181,6

143,0

209,6

Nguồn: Vinanet