Giá hạt tiêu thế giới tuần qua giảm khá mạnh, chủ yếu theo xu hướng giảm ở Việt Nam và áp lực bán ra từ nhiều địa điểm khác.

Sau nhiều tháng leo thang, thị trường hạt tiêu Ấn Độ đã đảo chiều giảm giá, với mức giảm trong 3 tuần qua lên tới 11%. Ủy ban Thị trường Kỳ hạn Ấn Độ (FMC) đã tiến hành điều tra giá các nông sản chủ chốt, trong đó có hạt tiêu, và kết luận các nhà đầu cơ đã thao túng thị trường trong suốt 3 tháng qua.

Trên thị trường Ấn Độ, hiện lượng bán ra mạnh ở Karnataka, trong khi việc kết thúc tài khóa khiến lượng giao dịch bị chạn chế. Trong khi đó, lo ngại cấm giao dịch kỳ hạn khiến nhiều nhà kinh doanh vừa và nhỏ đẩy hàng tồn trữ ra. Thị trường tiêu tuần qua trở nên biến động mạnh mặc dù dự đoán sản lượng sẽ giảm khoảng 4% đến 5%.

FMC đã đưa ra biên độ dao động bổ sung 15% đối với giá trả mua và 5% đối với giá chào bán để ngăn giá biến động mạnh.

Giá tiêu kỳ hạn tại Ấn Độ hiện quanh mức 39.100 rupee/100 kg đến 40.200 rupee/100 kg, trong khi tiêu giao ngay giá 36.300 rupee (loại xô) và 38.500 rupee (MG 1), giảm khoảng 5% so với một tuần trước đây. Hôm 17/3 giá đã từng lên tới 40.900 rupee/100 kg. Trên thị trường quốc tế, hạt tiêu Malabar Gold (MG) của Ấn Độ giá cao hơn chút ít so với hạt tiêu Lampong Asta của Indonesia. Việt Nam lúc này chào bán chủ yếu là các loại FAQ 500 GL và 550 GL – không thể so sánh với giá MG1.

Tiêu xuất khẩu của Ấn Độ hiện giá 8.000 USD/tấn (c&f châu Âu) và 8.300 USD/tấn (c&f Mỹ), trong khi tiêu Lampong Asta giá chào bán 7.750-7.800 USD/tấn, giảm khoảng 2% so với một tuần trước đây.

Hạt tiêu Malabar được biết đang giảm giá song lúc này hầu như không có hàng bán ra bởi lượng cung từ vụ mới rất ít, mà giá trong nước cao.

Các nhà nhập khẩu Ấn Độ đang có dự định nhập khẩu 10.000 tấn hạt tiêu giá rẻ, nhưng việc đồng rupee giảm giá khiến cho hàng nhập khẩu trở nên đắt. Mặc khác, nhập khẩu miễn thuế chỉ được phép đối với tiêu giá trị cao và tái xuất khẩu, còn các loại khác phải chịu thuế trên 70%, mà như thế thì kế hoạch nhập khẩu trở nên không khả thi.

Việc giá tăng vọt trong gần 3 tháng qua tại Ấn Độ đã buộc các nhà xuất khẩu gia vị phải tìm tới nguồn cung từ những nước khác. CEO của công ty Bafna Enterprises, Jojan Malayil, cho biết: “Khi giá tăng một cách bất thường do đầu cơ, chúng tôi chuyển tới những nước khác để mua nguyên liệu. Giá tiêu ở những nước sản xuất khác thấp hơn so với giá tiêu Ấn Độ. Chẳng hạn mỗi kg tiêu loại đã chọn lọc của Việt Nam rẻ hơn 75 rupee. Tương tự tiêu Indonesia và Brazil cũng rẻ hơn của Ấn Độ”.

Ông cho biết thêm: "Có nhiều nhà sản xuất tiêu giá trị gia tăng của Ấn Độ đang sử dụng nguyên liệu của Việt Nam. Hiện Ấn Độ và Tây Á đã vượt Mỹ và EU trở thành những khách hàng chủ chốt của Việt Nam”.

Tại Việt Nam, giá hạt tiêu đã từng lên tới 123.000 đồng/kg vào những ngày 26-29 tháng Hai. Tuy nhiên hiện giá đã giảm xuống khoảng 120.000-122.000 đồng/kg.

Nguồn cung hạt tiêu Asta của Việt Nam sắp tăng lên, và giá chào hiện đã giảm xuống chỉ 6.750 USD/tấn, so với khoảng 7.200 USD một tháng trước đây.

Ngay sau khi Việt Nam thu hoạch hạt tiêu thì đến tháng Sáu tới nước láng giềng Indonesia cũng bắt đầu thu hoạch với sản lượng dự kiến đạt 20.000 tấn. Giá tiêu Asta của Indonesia hiện cũng giảm xuống 7.350 USD/tấn từ mức 7.500 USD. Tiêu Brazil hiện chào giá 7.100 USD/tấn.

Theo dự báo mới nhất của các chuyên gia quốc tế, sản lượng hạt tiêu Việt Nam chắc chắn sẽ tăng lên 135.000-140.000 tấn (dự đoán trước đây là 100.000 đến 110.000 tấn). Dự đoán mới nhất này dựa trên cơ sở sản lượng sẽ tăng mạnh ở những diện tích tiêu mới trồng. Sản lượng của các tỉnh Gia Lai và Quảng Trị dự kiến sẽ đạt trên 50.000 tấn (dự báo trước đây là chỉ 28.000 tấn).

Theo nguồn tin từ các thương gia, nhu cầu từ châu Âu và Mỹ lúc này không mạnh, bởi các nhà nhập khẩu hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa trong những tuần tới. Các nhà nhập khẩu Mỹ cho biết giá có thể giảm xuống chỉ 6.000 USD/tấn trong vòng 4 tháng tới, khi Indonesia vào vụ thu hoạch rộ. Lợi thế về giá đã khiến nhu cầu mua hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam tương đối mạnh, và dự kiến nhu cầu tiêu Việt Nam từ khách hàng quốc tế sẽ tiếp tục mạnh trong những tháng tới.

Nhờ sản lượng tăng từ Việt Nam và Indonesia, sản lượng hạt tiêu thế giới năm nay dự kiến tăng 7,2% lên 320.000 tấn. Sản lượng tiêu Ấn Độ năm 2011-12 dự kiến giảm 5% xuống 43.000 tấn, từ mức 48.000 tấn năm ngoái.

(Business, TheHindu/TBKTSG)