Luôn nằm trong tốp các ngành hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu của cả nước, ngành da giày Việt Nam cũng dần khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, trong sự phát triển của ngành da giày còn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững cần được khắc phục

Năm 2010 đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của ngành da giày, tính đến hết tháng 10/2010 ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ. Với việc các DN trong ngành bội thu đơn hàng và giá đơn hàng tăng khoảng 4% so với năm 2009, ngành da giày rất tự tin với mục tiêu 5,4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Tuy đạt những kết quả tích cực nhưng Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày vẫn thẳng thắn nhìn nhận trong sự phát triển của ngành da giày hiện đang tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững, điển hình là thiếu nguyên liệu, lao động không ổn định, sự cạnh tranh quyết liệt của các nước xuất khẩu da giày và rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu… Đây cũng chính những khó khăn mà ngành phải vượt qua để vươn tới mục tiêu phát triển bền vững.

Nhằm giải quyết các vấn đề này, mới đây Hiệp hội Da giày Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Da giày Việt Nam xây dựng định hướng phát triển cho ngành giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn đến 2025. Đây là việc làm kịp thời để ngành da giày nói chung, từng DN sản xuất da giày, phụ liệu trong nước nói riêng, có dịp rà soát, nhìn nhận những điểm mạnh, yếu.

Nâng dần tỷ lệ nguyên liệu nội địa là giải pháp đầu tiên được đưa ra trong định hướng phát triển của ngành. Bởi, với thực trạng phải nhập khẩu tới 50% nguyên liệu để sản xuất như hiện nay, thì giá trị thặng dư mà ngành thu về không nhiều so với kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Để làm được điều này, Hiệp hội Da giày Việt Nam sẽ có những hỗ trợ về: thủ tục hành chính, liên hệ mặt bằng, kêu gọi sự giúp đỡ từ phía chính phủ, kêu gọi sự trợ vốn từ các DN... cho các DN xây dựng và phát triển công nghệ thuộc da.

Trong bối cảnh các nước EU,thị trường truyền thống của ngành da giày, đang áp dụng một loạt những rào cản thương mại đối với các sản phẩm giày, dép... của Việt Nam thì giải pháp đa dạng hóa thị trường phải được các DN trong ngành tận dụng tối ưu. Mỹ là thị trường được các DN trong ngành nhắm đến như một thị trường chiến lược. Bên cạnh những thị trường nhỏ như Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Nam Mỹ, châu Phi, Canada... cũng cần được các DN tích cực tiếp cận.

Việc phát triển thị trường nội địa cũng là giải pháp tốt nhất cho các DN. Khi quay về chiếm lĩnh được thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu, phát triển các sản phẩm da giày cao cấp…ngành da giày sẽ giảm dần được tỷ lệ gia công hàng, xây dựng được thương hiệu với thị trường quốc tế và xuất khẩu ở phân khúc thị trường cao hơn, có giá trị kinh tế hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia thị trường trong ngành da giày cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao sự phát triển như: Chăm lo hơn nữa đời sống của người lao động để người lao động thực sự gắn bó với nghề; bám sát công nghệ thế giới, đặc biệt quan tâm đến công nghệ tự động hóa trong công nghệ may, tạo form, gò dán; tổ chức, tham gia các cuộc thi tạo mẫu hàng năm…

Mục tiêu chiến lược ngành da giày được phác thảo đến năm 2020 là đạt kim ngạch xuất khẩu từ 13-14 tỷ USD sản phẩm giày dép các loại, chủ động đến 80% nguyên phụ liệu, chiếm lĩnh trên 60% thị trường nội địa

CôngThương
 

Nguồn: Vinanet