Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EC được hình thành từ năm 1971 nhằm khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu của các nước nghèo trong thông qua thương mại với các nước phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đang hưởng lợi rất lớn từ GSP của EC với tổng giá trị lên tới 3 tỉ Euro trong năm 2006, chiếm 1/3 tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh Châu Âu (EU).
Theo quy định, ngành hàng nào của các quốc gia xuất khẩu vào EU nếu chiếm trên 15% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm ngành hàng này đến từ tất cả các nước được hưởng GSP thì sẽ không được hưởng GSP nữa. Trong khi đó, tình hình sản xuất và xuất khẩu giày da của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, cụ thể là đã đạt khoảng 19% tổng mức xuất khẩu của các nước hưởng GSP vàp EU.
Chính vì vậy, cách đây 2 ngày, EC đã họp và quyết định cho Việt Nam “tốt nghiệp” GSP. Quyết định này sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2008.
Thuế chống bán phá giá hiện chỉ ảnh hưởng tới 20% lượng giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu giày da của Việt Nam vào EU trong năm 2007 vẫn duy trì ở mức 20%. Vì vậy, nếu xuất khẩu giày dép của Việt Nam bị giảm sút là do khả năng cạnh tranh của các nhóm, ngành hàng khác đã tăng lên.
Ngoài ra, bằng chứng từ những nước đã “tốt nghiệp” GSP cho thấy, cơ chế “tốt nghiệp” GSP thực sự phản ánh khả năng cạnh tranh của ngành đó. Ví dụ, ngành giày dép và dệt may của Trung Quốc vẫn tiếp tục khẳng định đà tăng trưởng cao, từ 42,7% lên 55,2% sau khi không còn được hưởng GSP vào năm 2006.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, xuất khẩu giày dép của Việt Nam lại giảm sút từ 23,5% xuống 17,1%, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn tăng đều.
Hơn nữa, hiện nay chỉ có 75% trong tổng số các nhà xuất khẩu giày dép từ Việt Nam xin hưởng ưu đãi GSP. Điều này cho thấy, những nhà xuất khẩu giày dép còn lại có khả năng bán ở những mức giá cạnh tranh trên thị trường EU, mà không cần ưu đãi. Đáng lưu ý là những hệ thống GSP khác như hệ thống của Mỹ đã loại trừ cả giày dép và dệt may của Việt Nam nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng không có dấu hiệu giảm.
Do đó, Việt Nam nên nhìn nhận việc “tốt nghiệp” GSP như là một khẳng định cho sự phát triển đa dạng của nền kinh tế, chứ không nên quan ngại về những chính sách từ EU.
Trong suốt những năm qua, EU luôn sử dụng những số liệu đồng nhất để phân tích và xem xét lại GSP, từ cơ quan thống kê của EU là Eurostat. Do đó, nguồn số liệu mà EU đã sử dụng để loại Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng GSP thì cũng tương tự như nguồn số liệu trước đây EU đã sử dụng để cho phép Việt Nam được hưởng GSP.
Việc loại Việt Nam ra khỏi GSP chỉ áp dụng đối với nhóm hàng giày da, còn các nhóm mặt hàng khác vẫn tiếp tục được hưởng ưu đãi này.
Theo quy định của WTO, hệ thống GSP cần phải được phổ cập và không phân biệt đối xử, nên không thể xem Việt Nam là một ngoại lệ trong khi các sản phẩm đạt mức “tốt nghiệp” của các nước khác lại không được hưởng.
Tuy nhiên, EU luôn sẵn sàng dành cho Việt Nam những ưu đãi tiếp cận thị trường, kể cả trong lĩnh vực giày dép, trong khuôn khổ thích ứng với các quy định của WTO.

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam