Ngành giầy dép đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu cả nước, đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất giầy trên thế giới và lượng giầy xuất khẩu đạt kim ngạch hàng năm hơn 4 tỷ USD (dự kiến năm 2010 sẽ là 6,2 tỷ USD), nhưng 800 doanh nghiệp ngành da giầy với năng lực sản xuất khoảng 780 triệu đôi giầy dép/năm chỉ chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường trong nước với sức tiêu thụ hơn 86 triệu dân.
Sản xuất giày dép trong nước chiếm 70% thị phần nội địa
Theo Hiệp hội Da Giầy Việt Nam, hàng năm có khoảng 130 triệu đôi giầy dép các loại được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Trong đó, khoảng 25 - 30 triệu đôi giầy dép các loại được sản xuất và khoảng gần 10% sản lượng giầy dép dư thừa từ xuất khẩu được tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Vài năm trở lại đây, những đôi giầy xuất khẩu mang nhãn hiệu Nine West, Dull, Next được bán trên thị trường với nhiều kiểu dáng đẹp, màu sắc phong phú với giá cả phải chăng. Loại giầy này được bán ở thị trường nội địa do đơn đặt hàng bị đối tác hủy, do sản xuất bị lỗi bị trả lại hoặc là hàng xuất bị trả lại do chậm thời gian giao hàng.
Tại thị trường nội địa còn có rất nhiều loại giầy dép của Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan... Phần lớn các sản phẩm giầy thể thao, giầy da Trung Quốc đều không có nhãn mác hoặc có nhãn hiệu nhưng lại là hàng nhái. Dòng sản phẩm cấp thấp, trung bình và hàng “không tên” của Trung Quốc có mặt ở khắp nơi, từ chợ đến cửa hàng giầy dép trên những phố lớn. Tại các thị trường nông thôn, giầy dép Trung Quốc càng có “chỗ đứng” hơn. Mặc dù chất lượng không cao nhưng giầy Trung Quốc rất dễ bán vì sản phẩm đa dạng, mẫu mã phong phú, đặc biệt giá rẻ do nhập lậu hoặc trốn thuế.
Ngoài ra, trên thị trường còn có dòng sản phẩm cao cấp của chính hãng như Prada, Gucci, Clarks, Bonia, Nine West... với giá thành không phải ai cũng mua được. Giầy nhãn hiệu Bata, Converse cũng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn do mẫu mã phong phú, chất lượng cao. Hiện mức tiêu thụ bình quân đầu người về giầy dép của nước ta đã tăng gấp đôi so với năm 2000, từ 0,6 đôi lên 1,5 đôi/người/năm.
Theo Hiệp hội Da Giầy Việt Nam, hàng năm có khoảng 25 - 30 triệu đôi giầy dép sản xuất và gần 10% (65 - 70 triệu đôi) sản lượng giầy dép dư thừa từ xuất khẩu được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Như vậy, thị phần hàng giầy dép sản xuất trong nước chiếm khoảng gần 70% tổng hàng tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước
Hiện cả nước có 800 doanh nghiệp hoạt động trong ngành da giày, nhưng 70% là sản xuất theo phương thức gia công thuần túy cho các hãng giày dép thời trang nổi tiếng trên thế giới, như Nike, Adidas, Converse... Do đó, xây dựng một thương hiệu riêng cho doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa. Tuy nhiên, đây không phải là chuyện dễ vì hiện về kỹ thuật, công nghệ và thiết kế sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu, cần tạo lập một kênh phân phối tập trung bằng cách tập hợp các doanh nghiệp để cùng nhau bán hàng tại những điểm cụ thể, giống như Giày Việt Plaza, hay Thương xá Tax. Với việc bán hàng tập trung như thế, người ta biết sẽ đến đâu khi muốn mua giày dép Việt Nam.
Bên cạnh đó cần có một trung tâm kiểm định sản phẩm da giày Việt Nam để cấp giấy chứng nhận nếu đạt tiêu chuẩn chất lượng nhằm giúp người tiêu dùng biết đến và tin dùng sản phẩm trong nước. Hiệp hội Da Giầy Việt Nam cũng dự kiến thành lập một trung tâm tư vấn cho người tiêu dùng cách chọn sản phẩm da giày phù hợp để đem lại sự thẩm mỹ và đảm bảo chất lượng.
Thống kê của Hiệp hội Da Giày Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 235 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực da giầy. Trên 50% doanh nghiệp xuất khẩu có kim ngạch lớn vẫn là các công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài với xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đóng góp được trên dưới 30%. Khâu thiết kế được coi là khâu tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất vẫn nằm ngoài tầm của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay 70% số lượng các doanh nghiệp da giày trong nước chỉ dừng lại ở mức làm gia công cho nước ngoài. Chưa kể phần lớn giày dép của Việt Nam thuộc loại có giá bán lẻ dưới 40 USD/đôi. Nhiều doanh nghiệp còn phải kinh doanh thông qua đối tác thứ 3.
Sau khi EU công bố, từ ngày 1/1/2009 loại mặt hàng giày da Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng GSP (thuế quan ưu đãi dành cho những quốc gia nghèo), khiến một số hợp đồng gia công đã bị chuyển dịch sản xuất từng bước sang các nước châu Á khác như Ấn Độ, Indonesia, Campuchia hay Myanmar dẫn tới kim ngạch xuất khẩu giảm.
Đến nay, Việt Nam không tự chủ được nguồn nguyên liệu trong nước, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, mà chủ yếu là từ Trung Quốc. Theo Bộ Công Thương, hiện có tới 60% -80% nguyên liệu đầu vào để sản xuất giầy dép là nhập khẩu, nhưng chúng ta lại thiếu hẳn sự kiểm soát về nguồn nguyên liệu. Nguyên liệu từ nguồn trong nước chất lượng lại kém, không đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều nguyên liệu không có sẵn ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, khâu thiết kế và tìm đầu ra cho sản phẩm rất yếu. Để thành công trên thị trường xuất khẩu, các sản phẩm giầy dép phụ thuộc rất nhiều vào những nhà thiết kế có khả năng luôn tạo ra các mẫu mã giầy dép hợp thời trang với khách hàng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có quá ít những cán bộ thiết kế lành nghề, hoặc nếu có thì họ cũng chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp hóa, bài bản.
Các doanh nghiệp của Việt Nam ít có mối liên hệ trực tiếp với khách hàng cuối cùng, mà phải qua nhiều khâu trung gian. Hiện nay, khoảng 80% các doanh nghiệp sản xuất giầy dép của Việt Nam phải nhận làm gia công cho các hãng lớn của nước ngoài. Chương trình xúc tiến thương mại và tiếp thị của ngành công nghiệp giầy dép còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc khai thác và đột phá vào những thị trường mới.
Trong các liên doanh sản xuất giầy dép ở Việt Nam, thường thường phía nước ngoài chịu trách nhiệm về kỹ thuật như nhập khẩu, vận chuyển máy móc, thiết bị, cung cấp phần lớn các nguyên vật liệu và lo đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nước ngoài. Phía Việt Nam chỉ cung cấp nhân lực, duy trì bảo dưỡng các thiết bị máy móc và chịu trách nhiệm về công tác quản trị hành chính.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc thực sự là một đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất giầy dép. Việc Trung Quốc gia nhập WTO đã càng khẳng định điều này. Hiện nay, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sản xuất giầy dép với sản lượng hàng năm khoảng 6 tỷ đôi (chiếm 1/2 tổng sản lượng của cả thế giới). Như vậy, cuộc cạnh tranh giữa sản phẩm giầy dép của 2 nước sẽ là cuộc cạnh tranh về chất lượng và giá cả. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thừa nhận, giầy dép của Trung Quốc giá rất rẻ, mẫu mã phong phú hơn, chi phí sản xuất cũng thấp hơn, nguồn nguyên liệu cũng được chú trọng đầu tư một cách dài hơi và bài bản hơn.
Các doanh nghiệp đang ngày càng thấy tầm quan trọng của mức tiêu thụ nội địa trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng khó khăn, các doanh nghiệp đã chọn con đường quay về thị trường nội địa. Mặt khác, để kích cầu tiêu dùng trong nước, sự can thiệp của chính phủ đã tạo nên bước ngoặt quan trọng cho việc phát triển tiêu dùng nội địa với hàng loạt các chính sách cũng như chiếm lược, điển hình như cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Còn về lâu dài, chúng ta vẫn cần tiếp tục theo đuổi một chính sách phát triển bằng con đường xuất khẩu. Đó là con đường để doanh nghiệp đi ra biển lớn, nhưng trước tiên là phải nâng cao tính cạnh tranh từ sân nhà bằng hàng hóa chất lượng cao và giá rẻ.
Như đã nêu ở trên, tiêu thụ giầy dép tại thị trường nội địa Việt Nam khoảng 130 triệu đôi giầy dép các loại/năm (1,51 đôi/người/năm). Với mức tiêu thụ bình quân tăng khoảng 8%/năm và tốc độ tăng trưởng dân số dự báo trên 1,1% trong những năm tới thì lượng giầy dép tiêu thụ tăng khoảng hơn 10 triệu đôi/năm. Như vậy, đến năm 2020, tiêu thụ giầy dép tại thị trường trong nước dự báo tăng lên mức 355 triệu đôi. Do đó, thị trường nội địa mang lại rất nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất hàng giầy dép.

Nguồn: Hà Nội mới ngày