Đây là một cách để các nhà sản xuất giải phóng lượng hàng tồn kho trước thời điểm 1/1/2009, khi mà hàng loạt cam kết gia nhập WTO như mở cửa thị trường bán lẻ và đặc biệt, lộ trình cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu một loạt mặt hàng điện tử điện lạnh bắt đầu có hiệu lực...
Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim trên phố Tràng Thi (Hà Nội) hạ giá rẻ nhất chính là dòng sản phẩm LCD 32 inch Plasma của Samsung, LG, Panasonic, Sanyo... ở Nguyễn Kim, tivi LG 32 inch được bán với giá 8.490.000 đồng trong khi giá niêm yết (giá bán trước đây) là 14.590.000 đồng. Tivi Toshiba LCD 32 inch (thương hiệu nổi tiếng của Nhật) cũng được chào bán chỉ với giá 8.500.000 đồng.
Tại siêu thị điện máy HC 348 đường Giải Phóng (Hà Nội), nhiều mặt hàng điện máy, điện tử cũng được giảm giá từ 10 tới 38%.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho việc giảm giá đồng loạt các mặt hàng trên thị trường, nhất là dòng sản phẩm điện tử. Đây là một biện pháp tình thế để doanh nghiệp sản xuất thanh lý lượng hàng tồn đọng của mình.
Ví như nhu cầu tiêu dùng tivi LCD, nhất là loại 32 inch thời gian trước tăng cao, nên các nhà sản xuất đổ xô vào lắp ráp, khai thác địa hạt này dẫn đến tình trạng cung lớn hơn cầu. Trong khi đó, sức mua hàng điện máy, điện tử năm 2008 có giai đoạn giảm tới 40 - 50% do ảnh hưởng của lạm phát và sa sút kinh tế. Bởi thế, doanh nghiệp muốn chọn thời điểm cuối năm để hạ giá bán, nhằm kích cầu tiêu dùng.
Nhưng, lý do cơ bản được các chuyên gia kinh tế "chẩn đoán" chính là cả nhà sản xuất và phân phối đang đau đầu đối phó với lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo tinh thần WTO.
Khi bước vào sân chơi WTO, trong biểu thuế gồm 10.600 dòng thuế mà Việt Nam cam kết, sẽ có khoảng 3.800 dòng thuế buộc phải cắt giảm. Máy móc thiết bị điện, điện tử, máy tính, điện thoại di động… thuộc nhóm ngành hàng chịu sự cắt giảm thuế nhiều nhất cùng với dệt may và sản phẩm cá, gỗ, giấy…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: "Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang cân nhắc tính toán giữa giá thành lắp ráp với giá nhập nguyên chiếc từ nước ngoài khi thuế suất thuế nhập khẩu đang từ 40 - 30 - 20% xuống còn 10- 5% và thậm chí bằng 0%".
Hơn nữa, nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng được phần lớn các công đoạn sản xuất, nên hầu hết thiết bị, linh kiện… đều phải nhập ngoại. Thuế nhập linh kiện cũng đã ước chừng 3 đến 5 - 10%...
Cân nhắc, đong đếm, nhiều mặt hàng nhập từ nước ngoài về lại có giá bán bằng hoặc rẻ hơn hàng lắp ráp trong nước từ 5 đến 10%, bởi thế, một số doanh nghiệp lắp ráp điện tử nước ngoài ở Việt Nam đã tính tới chuyện ngưng sản xuất, chuyển qua hoạt động thương mại sau nhiều năm làm ăn hiệu quả. Điển hình của toan tính này là việc đóng cửa nhà máy sản xuất của Sony bắt đầu từ tháng 9 vừa qua sau 14 năm có mặt tại Việt Nam.
Không hẳn như mong chờ của đông đảo người tiêu dùng, sẽ khó có khả năng giảm giá ồ ạt và mạnh mẽ các mặt hàng điện tử, điện máy sau ngày 1/1/2009. Đây là nhận định chung của nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế.
Bà Phạm Chi Lan đánh giá, người tiêu dùng trong nước đang có nhiều cơ hội được sở hữu các sản phẩm điện tử cao cấp của các hãng danh tiếng do các công ty nhập về với mức giá không còn "trên trời" như trước. Đó là lợi ích rõ rệt nhất của người tiêu dùng, nhưng rõ ràng các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức phá sản nếu không chấp nhận cuộc chơi để vươn lên.

Mquiz.net

Nguồn: Internet