(VINANET) – Chỉ số giá hàng hóa trên thị trường thế giới phiên giao dịch cuối tuần 12/9 (kết thúc vào rạng sáng 13/9 giờ VN) giảm xuống mức thấp kỷ lục 5 năm do dự báo nguồn cung dồi dào và kinh tế ở nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại làm giảm nhu cầu nguyên liệu.

Chỉ số giá hàng hóa của Bloomberg giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Dầu Brent giao dịch ở mức thấp kỷ lục kể từ 2012, lúa mì, ngô và đậu tương cũng thấp nhất 4 năm, trong khi vàng thấp nhất gần 8 tháng.

Tăng trưởng kinh tế yếu ở châu Âu và Nhật Bản gây áp lực giảm giá năng lượng, trong khi tỷ lệ lãi suất ở Mỹ có khả năng tăng đúng thời điểm sản lượng ngô Mỹ cao kỷ lục và sản lượng dầu Mỹ tăng cao nhất gần 45 năm. Kinh tế khu vực đồng euro quý 2 hồi phục yếu, trong khi kinh tế Nhật Bản giảm mạnh nhất trong vòng hơn 5 năm. Giá thực phẩm giảm xuống thấp nhất gần 4 năm bởi giá sữa và dầu nấu sụt giảm.

Dầu Brent đóng cửa tăng 4 US cent lên 98,08 USD/thùng nhưng trong phiên có lúc xuống chỉ 96,72 USD, thấp nhất kể từ tháng 7/2012. Đồng giảm 0,5% xuống 6.835 USD/tấn, còn lúa mì giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 7/2010.

Chỉ số đôla ICE ghi nhận tuần tăng thứ 9 liên tiếp trong đó USD lại lên cao nhất 6 năm so với yên do đồn đoán về quyết sách của Fed. Một loạt số liệu được công bố trong ngày 12/9 đã nâng kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

USD lên cao nhất 6 năm so với yên ở 107,39 yên. Kết thúc phiên giao dịch, USD tăng 0,18% lên 107,30 yên.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ tháng 8 tăng 0,6% so với tháng trước đó, theo dữ liệu đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ, ghi nhận tháng tăng nhanh nhất 4 tháng. Điều này chứng tỏ phần lớn người dân đã tăng cường chi tiêu trong tháng 8.

Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng tháng 9 tại Mỹ cũng tăng lên cao nhất hơn 1 năm, củng cố quan điểm lạc quan về nền kinh tế nội địa trong những tháng cuối năm.

Thời gian gần đây, USD tăng giá liên tục trong bối cảnh kinh tế châu Âu và Nhật Bản suy yếu. Tuần trước, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã hạ một số lãi suất và triển khai chương trình mua tài sản nhằm đối phó với giảm phát. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Nhật Bản được kỳ vọng sẽ tiến hành kích thích mới để thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Năng lượng

Giá dầu thô đi xuống trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua và dầu Brent còn chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm, trong bối cảnh tình trạng “cung vượt quá cầu” vẫn không ngừng tiếp diễn khiến Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.

Theo các chuyên gia phân tích, tình hình căng thẳng tại Ukraine và mối lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung tại Iraq, Libya có phần lắng xuống đã làm chậm hoạt động mua vào trên thị trường.

Cơ quan thông tin năng lượng (EIA) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra những nhận địch không mấy khả quan về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, do những lo ngại về tình hình căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực, nhất là sau khi Mỹ và châu Âu thông báo áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.

Hôm 10/9 Arab Saudi xác nhận đã giảm sản lượng trong tháng 8. Tuy nhiên, các bộ trưởng Arab Saudi, Kuwait và UAE đều cho biết, chưa cần triệu tập phiên họp khẩn cấp OPEC trước phiên họp dự kiến vào tháng 11 tới đây.

Trong khi đó, các quan chức Libya lại đánh giá khả quan về triển vọng sản xuất dầu thô của nước này, bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra tại đây.

Phiên cuối tuần, gía dầu Brent tại thị trường London đã hạ 97 cent, xuống 97,11 USD, ghi dấu mức thấp nhất kể từ tháng 6/2012. Như vậy giá dầu Brent đã giảm 16% từ mức cao nhất hồi giữa tháng 6. Còn tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ cũng mất 56 cent, xuống còn 92,67 USD/thùng.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm 3,7%, và nếu tính từ hồi giữa tháng Sáu năm nay, khi giá dầu Brent “vọt” lên mức cao nhất chín tháng, thì mặt hàng này đã giảm tới 16%.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ cũng giảm 1,1% trong năm ngày giao dịch của tuần qua.

Hiện giới quan sát thị trường đang theo dõi xem liệu các thành viên OPEC, nhất là Saudi Arabia có giảm sản lượng để đẩy giá dầu đi lên hay không, sau khi Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri dự báo rằng giá dầu sẽ phục hồi vào cuối năm nay.

Với các sản phẩm dầu, giá xăng RBOB giao tháng 10 giảm 0,53 cent (-0,2%) xuống 2,5188 USD/gallon, thấp nhất kể từ 7/11, tuần này giá giảm 2,5%. Trong khi đó, giá dầu diesel giao tháng 10 giảm 1,56 cent (-0,6%) xuống 2,7405 USD/gallon, cả tuần giá giảm 2,8%.

Kim loại quý

Theo xu hướng đi xuống của thị trường chứng khoán và năng lượng, thị trường vàng cũng chứng kiến một tuần giao dịch ảm đạm trong năm ngày vừa qua, khi liên tục rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng.

Đáng chú ý là trong phiên giao dịch ngày 11/9, giá vàng đã giảm sâu xuống mức thấp nhất trong hơn 7 tháng qua (1.239 USD/ounce), giá bạc cũng có lúc rơi xuống gần mức thấp nhất trong 14 tháng, còn giá bạch kim giao ngay đứng gần mức thấp nhất kể từ tháng Hai.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/9, giá vàng tiếp tục trượt dài theo đà giảm từ đầu tuần, sau khi một loạt số liệu tích cực từ kinh tế Mỹ như doanh số bán lẻ tháng Tám và chỉ số lòng tin tiêu dùng tháng Chín cho thấy "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi rõ rệt.

Điều này càng củng cố thêm những hoài nghi của giới đầu tư về việc Fed sẽ đẩy sớm thời điểm tăng lãi suất, khiến nhu cầu đối với những tài sản ít lợi nhuận như vàng, giảm xuống.

Kết thúc phiên này, tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao ngay giảm xuống còn 1.227,25 USD/ounce- mức thấp nhất kể từ ngày 10/1/2014.

Như vậy, giá vàng giao ngay đã mất tới 4,5% giá trị trong hai tuần qua, mức giảm mạnh nhất tính theo hai tuần kể từ tháng Ba.

Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 7,5 USD, xuống 1.231,50 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giao kỳ hạn đã giảm 3,1%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng Năm.

Cà phê

Phiên cuối tuần giá cà phê trên hai thị trường London và New York diễn biến trái chiều.

Tại New York, giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 9 giá giảm 0,9 US cent/lb xuống 179,65 cent/lb, kỳ hạn giao tháng 12 giá giảm 0,9 cent/lb xuống 184,55 cent/lb, kỳ hạn tháng 3/2015 giá giảm 0,9 cent/lb xuống 188,6 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá giảm 0,9 cent/lb xuống 191 cent/lb.

Trên thị trường London trái lại, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 9 giá tăng 5 USD, tương đương +0,25%, lên 1.975 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 11 giá tăng 9 USD/tấn, tương đương +0,45%, lên 1.997 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 1/2015 giá tăng 9 USD/tấn, tương đương +0,45%, lên 2.007 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá tăng 10 USD lên 2.018 USD/tấn.

Giá cà phê Việt Nam tăng phiên cuối tuần theo xu hướng giá robusta tại London. Sáng 13/9 , cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên, sau 2 phiên giảm liên tiếp, đã quay đầu tăng 200.000 đồng/tấn lên 38,4-39,7 triệu đồng/tấn. Giá cà phê Robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB tăng 9 USD từ 1.918 USD/tấn lên 1.927 USD/tấn.

Conab dự đoán do ảnh hưởng của đợt hạn hán hồi đầu năm nên sản lượng cà phê của Brazil chỉ đạt 44,57 triệu bao niên vụ 2013-2014 và sẽ tăng 9,6% lên 48,83 triệu bao niên vụ 2014-2015.

Trong khi đó với khối lượng xuất khẩu trong những tháng gần đây của Brazil, xuất khẩu cà phê trong 12 tháng qua từ tháng 9/2013 đến tháng 8/2014 đạt kỷ lục 35,3 triệu bao, nếu cộng thêm lượng tiêu thụ nội địa 20 triệu bao, tiêu thụ cà phê Brazil 12 tháng qua ước đạt 55,5 triệu bao. Nếu Brazil tiếp tục duy trì khối lượng xuất khẩu như vậy, ước tính lượng cà phê cung cấp năm 2015 sẽ đạt trên 56 triệu bao. Tuy nhiên, cùng với sản lượng tăng từ Mexico và Trung Mỹ, đặt biệt nguồn cung ổn định từ Colombia, dự đoán thiếu hụt cà phê arabica từ Brazil sẽ thu hẹp.

Hầu hết các dự báo đều cho rằng niên vụ cà phê mới của Việt Nam sẽ bắt đầu trong 4-5 tuần tới, với sản lượng đạt 28 triệu bao. Tuy nhiên, hôm 11/9, tổ chức chuyên thương mại hàng hóa Sopex dự đoán sản lượng cà phê niên vụ mới của Việt Nam đạt 30 triệu bao.

 
 
Giá13/9
So với 12/9
So với 12/9 (%)
Dầu thô WTI
USD/thùng
92,27
-0,56
-0,60%
Dầu Brent
USD/thùng
97,11
-0,97
-0,99%
Dầu thô TOCOM
JPY/kl
66.030,00
-290,00
-0,44%
Khí thiên nhiên
USD/mBtu
3,86
+0,03
+0,89%
Xăng RBOB FUT
US cent/gallon
251,88
-0,53
-0,21%
Dầu đốt
US cent/gallon
274,05
-1,56
-0,57%
Dầu khí
USD/tấn
832,25
-0,75
-0,09%
Dầu lửa TOCOM
JPY/kl
81.300,00
-230,00
-0,28%
Vàng New York
USD/ounce
1.231,50
-7,50
-0,61%
Vàng TOCOM
JPY/g
4.244,00
-18,00
-0,42%
Bạc New York
USD/ounce
18,61
+0,01
+0,04%
Bạc TOCOM
JPY/g
64,20
0,00
0,00%
Bạch kim giao ngay
USD/t oz.
1.371,63
+1,57
+0,11%
Palladium giao ngay
USD/t oz.
837,50
+5,20
+0,62%
Đồng New York
US cent/lb
310,65
+1,40
+0,45%
Đồng LME 3 tháng
USD/tấn
6.838,00
+3,00
+0,04%
Nhôm LME 3 tháng
USD/tấn
2.029,00
-11,00
-0,54%
Kẽm LME 3 tháng
USD/tấn
2.276,00
+11,00
+0,49%
Thiếc LME 3 tháng
USD/tấn
21.275,00
+200,00
+0,95%
Ngô
US cent/bushel
338,50
-2,50
-0,73%
Lúa mì CBOT
US cent/bushel
502,50
-7,00
-1,37%
Lúa mạch
US cent/bushel
348,25
-5,50
-1,55%
Gạo thô
USD/cwt
12,79
+0,27
+2,12%
Đậu tương
US cent/bushel
985,25
+3,75
+0,38%
Khô đậu tương
USD/tấn
327,90
-1,30
-0,39%
Dầu đậu tương
US cent/lb
32,77
+1,06
+3,34%
Hạt cải WCE
CAD/tấn
413,70
+2,50
+0,61%
Cacao Mỹ
USD/tấn
3.053,00
+25,00
+0,83%
Cà phê Mỹ
US cent/lb
184,55
-0,90
-0,49%
Đường thô
US cent/lb
16,32
-0,31
-1,86%
Nước cam cô đặc đông lạnh
US cent/lb
146,45
-0,70
-0,48%
Bông
US cent/lb
68,00
-0,09
-0,13%
Lông cừu (SFE)
US cent/kg
-
-
-%
Gỗ xẻ
USD/1000 board feet
336,60
-0,30
-0,09%
Cao su TOCOM
JPY/kg
191,90
+1,70
+0,89%
Ethanol CME
USD/gallon
1,73
-0,00
-0,17%
T.Hải

Nguồn: Vinanet/Reuters, Bloomberg