Vụ muối năm nay toàn tỉnh Ninh Thuận sản xuất trên diện tích 2.371 ha, bao gồm 1.891 ha muối công nghiệp (tăng thêm 429 ha) và 480 ha muối diêm dân. Tính đến đầu tháng 7, sản lượng muối thu hoạch đã tăng 54,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng thêm trên 35.000 tấn muối diêm dân và gần 36.000 tấn muối công nghiệp. Tuy nhiên không chỉ là sản lượng muối đạt cao, điều gây ấn tượng cho chúng tôi chính là những vấn đề mới đang đặt ra trong nghề muối của diêm dân.
Niềm vui được mùa, được giá
Ninh Hải là huyện có đồng muối diêm dân lớn nhất tỉnh ta, với diện tích canh tác ổn định 445,5 ha trải dọc theo các xã, thị trấn ven biển, trong đó riêng xã Tri Hải có 210 ha và xã Nhơn Hải có 140 ha. Kết thúc vụ muối năm nay, toàn huyện thu hoạch đạt sản lượng 95.000 tấn muối (đạt 118,75% kế hoạch).
Hiện nay muối nền đất có giá bán 1,15 triệu đồng và muối trải bạt là 1,25 triệu đồng/tấn, đã tăng gấp đôi năm trước. Bên cạnh niềm vui được mùa, được giá, điều đáng chú ý nhất là chất lượng hạt muối làm ra đã nâng lên. Trong sản lượng thu hoạch năm nay của huyện Ninh Hải có đến 80.000 tấn muối diêm dân được bán ra như giá thành muối công nghiệp, gây hưng phấn lớn cho diêm dân.
Nguyên nhân muối được mùa, trúng giá, trước hết nhờ thời tiết, từ đầu năm đến nay hầu hết vùng ven biển rất ít mưa và ngày nắng lại nhiều nên thuận lợi cho sản xuất muối. Được mùa trong khi nhiều vùng muối khác của cả nước liên tục bị mưa lũ gây thiệt hại, cộng với chủ trương ngưng nhập muối của Chính phủ vào thời điểm thu hoạch, là yếu tố quan trọng đã làm cho muối của diêm dân tỉnh ta trở thành nguồn cung chủ yếu, nên giá muối đã tăng cao.
Giải pháp nâng chất lượng
Thời vụ làm muối hằng năm được tính trung bình từ tháng chạp năm trước đến tháng 8 năm sau, gặp năm nắng hạn kéo dài có thể làm đến tháng 9. Quy trình sản xuất muối được tóm gọn trong công thức đơn giản “Đưa nước biển vào, đợi bốc hơi”, giữa muối công nghiệp và muối diêm dân có khác chăng là ở thời gian dành cho hạt muối kết tinh dài hay ngắn. So với muối ngoại nhập, độ trắng và độ lẫn tạp chất cũng tương đương nhưng chỉ thua ở điểm trong muối chúng ta còn có “dính” chút cát. Điều này hoàn toàn khắc phục được nếu cho muối kết tinh trên ô trải bạt, còn trên nền đất thì cho kết tinh dài ngày hơn nữa”.
Nguyên nhân khiến chất lượng muối diêm dân không bằng muối ngoại nhập là do hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, làm kiểu “ăn xổi, ở thì”. Đến nay ở Tri Hải đã có 2 tổ hợp tác sản xuất muối của diêm dân. Kinh nghiệm từ hình thức kinh tế tập thể này cho thấy nhờ mặt nước đồng muối mở rộng, không những hạn chế đầu tư ao lắng, mương rãnh mà còn làm cho nước luôn dao động, bốc hơi và kết tinh nhanh, hạt muối trắng đẹp và chất lượng hơn. Theo một số chuyên gia, muối sản xuất ở nước ngoài sở dĩ ít lẫn cát, màu sắc trắng và hạt chắc là do để muối kết tinh dài ngày hơn. Diêm dân hoàn toàn có thể làm được như vậy nếu có tổ hợp tác hay hợp tác xã. Thêm nữa, qua mô hình này, Nhà nước sẽ dễ đầu tư, ứng dụng công nghệ hoặc mở lớp đào tạo kỹ thuật cho nghề muối. Đặc biệt, đây còn là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp tiếp cận và ổn định giá cho diêm dân, không còn bị sức ép chi phối giá bởi khâu trung gian của tư thương.
Sau nhiều năm giá muối lên xuống thất thường, đây là lần thu hoạch muối có giá bán cao nên đã tác động mạnh đến nghề làm muối địa phương. Tuy nhiên, để sản xuất muối bền vững, phải hướng tới chất lượng với hạt muối làm ra của diêm dân trắng tinh như muối nhập và lâu dài là phục vụ công nghiệp. Trước xu hướng phát triển mới, ngành chức năng và địa phương cần nhân rộng mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực sản xuất của diêm dân và tăng cường đầu tư, chuyển giao kỹ thuật mới, mà trước mắt là hỗ trợ đầu tư công nghệ trải bạt kết tinh muối.
Nguồn: Nông thôn ngày nay