Thời kỳ hậu Saddam Hussein, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của mình, Irắc đã bắt đầu phải nhập khẩu rau quả trong khi nền nông nghiệp của đất nước này có một di sản giàu có từ 6.000 năm nay, có đủ nước tưới cây và đất đai phì nhiêu.
Hiện nay, do chiến tranh tàn phá, và nền kinh tế thị trường tự do đã đẩy các chủ trang trại người Irắc vào tình cảnh bi đát. Giá các loại nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp như phân bón, giống cây trồng đều được bán với giá rất cao, thậm chí nhiên liệu cần thiết cho các máy bơm nước hoạt động cũng cực kỳ khan hiếm, mặc dù Irắc có trữ lượng dầu lớn, nhưng ngành công nghiệp dầu lửa đang khủng hoảng không thể đáp ứng nhu cầu trong nước.
Thời kỳ Saddam Hussein, phân bón được trợ cấp thì giờ đây người nông dân phải mua hơn triệu 1 đina (830 USD) mỗi tấn. Trong khi đó, rau quả nhập khẩu của nước ngoài như Xyri, lại tràn ngập đất nước Irắc, với giá thành thâấ hơn nhiều so với giá sản xuất trong nước. Nói cách khác, người nông dân Irắc không thể cạnh tranh đựơc với rau quả nhập khẩu, và họ đã phải bỏ hoang đất đai, không thể trồng trọt được nữa.
Ngoài ra, các vấn đề an ninh như trộm cắp, cướp bóc, thậm chí sát hại, đặc biệt trên các đường quốc lộ, cũng là mối lo ngại với người dân Irắc, khiến họ phải bỏ hoang ruộng đồng.
Chính những lý do trên, hiện nay Irắc phải nhường thị trường rau quả trong nước cho nước ngoài, mặc dù rau quả nhập khẩu đến tay người tiêu dùng ở đây thường không còn tươi, vị rau không hợp với người dân địa phương và giá đắt đỏ. Giá trung bình loại rau nhập khẩu của Irắc hiện là 1,7 USD/kg, trong khi lương trung bình của nhân viên nhà nước chỉ có 250 USD/tháng, còn thu nhập của người về hưu là dưói 100 USD/tháng.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng, việc Irắc, nước có truyền thống về nông nghiệp, phải nhập khẩu rau quả là một điều nguy hiểm hơn nữa cho nền kinh tế và xã hội nước này.
 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam