Năm 2008 là một cột mốc quan trọng đánh giá sự tăng giảm trong quá trình xuất nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam trong giai đoạn đầu của sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Năm 2008, toàn thế giới đã được chứng kiến sự leo thang đến đỉnh điểm của giá dầu, thậm chí có thời điểm lên đến 147,27 USD/thùng ở những tháng giữa năm khiến cho giá cả các chủng loại nguyên liệu nhựa có sự tăng vọt so với cùng kỳ năm 2007 (tăng trung bình từ 550-650 USD/T), từ đó ảnh hưởng mạnh đến sức cạnh tranh của các sản phẩm nhựa từ các thị trường nội địa, đặc biệt là với các sản phẩm nhựa xuất khẩu (vì giá nguyên liệu nhựa chiếm 80% giá thành sản phẩm nhựa). Những tháng liền kề sau đó, sự rớt giá của dầu hoả xuống 100 USD/thùng (tương đương mức giảm 70%), trong vòng 4 tháng, về ngưỡng 40 USD/thùng đã kéo theo sự giảm giá của nguyên liệu nhựa tương ứng. Đây được xem là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất của Việt Nam trong thời gian qua, với các mức tăng 37% (năm 2006) –33% (năm 2007)-34% (năm 2008) tới hầu hết các thị trường rộng lớn và không quá khó để thâm nhập. Theo thống kê và đánh giá của Cơ quan thống kê Liên hợp quốc thì mặt hàng nhựa của Việt Nam có khả năng thâm nhập thị trường tương đối tốt, được hưởng mức thuế thấp hoặc được đối xử ngang bằng như các nước xuất khẩu khác ở hầu hết các thị trường trên thế giới. Bên cạnh đó, mặt hàng nhựa Việt Nam đang được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao, tiếp cận được các công nghệ sản xuất hiện đại của thế giới và được thị trường chấp nhận. Vấn đề lớn nhất đặt ra là khả năng đáp ứng được các yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu (chủ yếu về mặt số lượng và chủng loại sản phẩm) còn hạn chế. Nếu có thể giải quyết được vấn đề nguyên liệu đầu vào thì mặt hàng nhựa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu với quy mô lớn do nhu cầu của thế giới với mặt hàng này rất cao. Năm 2009 sản phẩm nhựa được nhận định là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch dự kiến vượt ngưỡng trên 1 tỉ USD, tăng khoảng 40% so với năm 2008.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm nhựa trong tháng 1/2009 đạt kim ngạch 52,6 triệu USD, giảm 30,91% so với tháng trước và giảm 31,39% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, so với tháng 1/2007 thì kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của nước ta lại tăng nhẹ 6,16%. Đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh không được thuận lợi do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao (từ 30-40%) trong khi giá bán không tăng. Một số doanh nghiệp cổ phần đã tận dụng cơ hội này bán luôn nguyên liệu, một số doanh nghiệp khác đã cải tiến mẫu mã sản phẩm, phát triển các sản phẩm nhựa kỹ thuật mới có chất lượng cao, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và phục vụ hàng xuất khẩu như bao bì, văn phòng  phẩm, nhựa mỹ nghệ, nhựa gia dụng, nhựa xây dựng… vào các khu vực thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật, các nước thuộc khu vực ASEAN…
Có thể nói năm 2009 đang được xem là thời cơ vàng cho xuất khẩu nhựa của Việt Nam khi mà các nhà nhập khẩu nước ngoài đang chuyển hướng nhập khẩu sản phẩm nhựa từ thị trường Trung Quốc sang thị trường Việt Nam vì không muốn lệ thuộc vào một nước. Đây chính là cơ hội lớn cho ngành nhựa trong nước đối với những thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật, EU…
Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của ngành nhựa chính là sự cạnh tranh với doanh nghiệp nhựa Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, ngành nhựa Trung Quốc đã có sự bứt phá mãnh liệt. Các doanh nghiệp Trung Quốc có sự liên kết chặt chẽ khi sẵn sàng đầu tư cho một doanh nghiệp với đầy đủ tiềm lực tài chính để đại diện hàng ngàn doanh nghiệp đi đàm phán mua nguyên liệu với giá rất rẻ, sau đó về phân bổ lại cho doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam thì ngược lại, từ khâu tìm kiếm, mua nguyên liệu đến sản xuất, phân phối thì doanh nghiệp tự làm. Về vai trò của Hiệp hội nhựa, Hiệp hội không nên chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, Chính phủ nên liên kết các doanh nghiệp nhựa với nhau. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Hiệp hội nhựa nên nhanh chóng thành lập một quỹ đầu tư làm  hạt nhân kết nối các doanh nghiệp nhựa. Quỹ đầu tư này không nên chỉ huy động vốn để cho vay hay đầu tư trái ngành như kiểu các tập đoàn thường làm mà phải lấy số vốn phục vụ lợi ích chung của ngành nhựa hay đại diện hiệp hội thực hiện những công việc mà nếu chỉ có một doanh nghiệp thì không thể thực hiện được. Theo Chủ tịch VPA cho biết, trong năm 2009, các doanh nghiệp nhựa canà phải lưu ý đến tác động xấu ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Đó là khả năng lưu chuyển tiền tệ của mỗi doanh nghiệp trong quá trình sản xuất cũng như xu hướng chuyển dịch mới của thị trường thế giới gây bất lợi cho doanh nghiệp nhựa xuất khẩu. Ví dụ, đối với lĩnh vực sản xuất bao bì (chiếm 40% sản lượng của ngành nhựa và chiếm 70% giá trị xuất khẩu), do có sự đóng băng của ngành công nghiệp xe hơi tại Nhật, Mỹ nên các nhà sản xuất sẽ ít nhập khẩu sản phẩm nhựa bao bì của Việt Nam.
Thị trường xuất khẩu nhựa: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2009, đứng đầu kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam là thị trường Nhật Bản với kim ngạch 11,6 triệu USD, tuy giảm 28,16% so với tháng trước và giảm 35,63% so với cùng kỳ năm 2008, nhưng lại tăng 13,16% so với tháng 1/2007. Giữ vị trí thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu nhựa của nước ta là Hoa Kỳ với kim ngạch 9,1 triệu USD, mặc dù giảm 35,81% so với tháng 12/2008 và giảm 25,21% so với tháng 1/2008 nhưng vẫn tăng 22,61% so với cùng kỳ năm 2007. Một số thị trường khác vẫn giữ mức tăng trưởng khá so với tháng 1/2007 như: Hà Lan tăng 127,92%; Đức tăng trưởng 51,05%, Anh tăng 16,78%; Ôxtrâylia tăng 3,51%…
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nhựa sang thị trường Trung Quốc trong tháng đầu năm 2009 tuy chỉ đạt gần 2 triệu USD song lại có mức tăng trưởng khá mạnh, với các mức tăng lần lượt là 146,11% (so với tháng trước); 136,81% (so với tháng 1/2008) và 160,31% so với cùng kỳ năm 2007.
Doanh nghiệp xuất khẩu: Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2009, cả nước có tất cả 530 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm nhựa. Trong đó, có 19 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu từ 400 nghìn USD; 7 doanh nghiệp đạt kim ngạch trên 700 nghìn USD. Dẫn đầu top 9 doanh nghiệp đạt kim ngạch hơn 1 triệu USD là Cty TNHH Fujikura Fiber Optic Việt Nam với 2,6 triệu USD. Tiếp đến là Cty TNHH Fotai Việt Nam với 1,8 triệu USD; Cty TNHH RKW Lotus với 1,6 triệu USD; Cty TNHH Nhựa và hoá chất Phú Mỹ với 1,5 triệu USD…

Nguồn: Vinanet