Dấu hiệu gần đây nhất cho thấy khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến các hãng sản xuất màn hình LCD, là việc hãng Chunghwa Picture Tubes vừa đệ đơn lên nhà chức trách xin gia hạn trả nợ.
Hiện tại, khoản nợ của Chunghwa lên tới 15 tỷ Đài tệ và hãng hoàn toàn không có khả năng thanh toán đúng hẹn. Tình hình tài chính khó khăn buộc Chunghwa trở thành công ty đầu tiên trên thị trường màn hình LCD phải cầu cứu chính quyền kể từ khi suy thoái xảy ra. Chunghwa là một trong những hãng sản xuất LCD có quy mô bậc trung tại Đài Loan. Sản phẩm của hãng được cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất laptop, ĐTDĐ và desktop, cả nội địa lẫn quốc tế. "Những đợt suy thoái nghiêm trọng thế này chỉ xảy ra trăm năm một lần", Chunghwa bình luận trong hồ sơ gửi đến thị trường chứng khoán Đài Loan. Hãng sẽ phải tức tốc "triển khai các biện pháp tích cực hơn" để bảo vệ công việc kinh doanh của mình trong thời gian tới.
Cũng theo lời người đại diện của hãng, Chunghwa hiện có khoảng 20 tỷ Đài tệ tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn, do đó, họ chưa đứng trên bờ vực phá sản. Theo quy định của Đài Loan, khi các doanh nghiệp xin trợ giúp chính thức, nhà cầm quyền sẽ làm việc với ngân hàng để kéo dài thời gian trả nợ. Thậm chí, lường trước được khó khăn đang giăng đón các hãng công nghệ khác, Đài Loan đã xây dựng hẳn một khung chương trình "cho vay ưu đãi" trị giá tới 200 tỷ Đài tệ. Đối tượng được hưởng sẽ là các hãng sản xuất LCD và DRAM của Đài Loan, vốn luôn là "công xưởng gia công" cho những thương hiệu smartphone, laptop hay desktop lớn trên thế giới.
May mắn hơn DRAMTrước giới sản xuất LCD, nhiều hãng DRAM đã phải xếp hàng cầu cứu. Nếu như thị trường màn hình LCD chỉ mới khốn đốn trong vài tháng trở lại đây, thì thị trường DRAM đã lâm vào tình trạng khủng hoảng từ nhiều năm nay. Giá bán ra nhiều lúc còn rẻ hơn cả giá thành sản xuất, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải chịu lỗ, miễn là "tống tháo" được hàng đi. Điểm chung giữa ngành công nghiệp DRAM và LCD là chúng đều đòi hỏi vốn đầu tư xây dựng nhà máy/dây chuyền sản xuất rất lớn. Chỉ có như vậy thì các hãng mới bắt kịp được sức cầu và cạnh tranh được với đối thủ. Nhưng ngược lại, họ luôn phải đi vay ngân hàng hoặc giới đầu tư, trở thành những con nợ khổng lồ."Tôi không nghĩ tình hình của LCD quá tệ như DRAM", ông Andrew Teng, Phó Chủ tịch công ty chứng khoán Taiwan International nhận định.
"Món nợ mà các hãng DRAM đang gánh trên vai nặng nề hơn nhiều, đồng thời họ đã phải chịu lỗ từ cuối năm 2007. Trong khi đó, mãi đến cuối năm ngoái, các hãng sản xuất LCD mới bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ". Nhưng dù nói gì đi nữa, thông tin từ Chunghwa cũng cho thấy áp lực suy thoái kinh tế đang mạnh dần lên. Quý IV/2004, LG Display, một trong những hãng sản xuất màn hình LCD lớn nhất thế giới, đã lỗ tới 684 tỷ won (tương đương 452,3 triệu USD). Điều này hoàn toàn trái ngược với mức lãi ròng 295 tỷ won của chính hãng này trong quý III.
Đại diện LG Display dự đoán doanh số xuất xưởng sẽ tiếp tục tụt giảm trong 3 tháng đầu tiên của năm 2009. AU Optronics, hãng sản xuất LCD số một Đài Loan cũng lỗ 26,6 tỷ Đài tệ trong 3 tháng cuối năm 2008. Lý do thua lỗ, theo hãng, chính là việc LCD giảm giá mạnh để kích cầu.
Người lao động

Nguồn: Internet