Liên minh Giày châu Âu đã ra thông cáo báo chí yêu cầu Ủy ban châu Âu tôn trọng ý kiến của người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu và bán lẻ châu Âu cũng như đa số các nước thành viên EU chấm dứt thuế chống bán phá giá giầy mũ da Trung Quốc và Việt Nam.
 
Để trả lời thông cáo báo chí của Hiệp hội các nhà sản xuất giầy Italia (ANCI) và Liên minh Công nghiệp giày châu Âu (CEC), ngày 23/9/2008 tại Brussels hàng trăm doanh nghiệp giày vừa và nhỏ cùng các thương hiệu giầy châu Âu thành công nhất trên thế giới đã thành lập Liên minh Giày châu Âu, gồm:
 
(i) Liên minh các hãng giầy nổi tiếng châu Âu (EBFC);
 
(ii) Nhóm các nhà sản xuất giầy đi ngoài nhà (EOG);
 
(iii) Liên đoàn Công nghiệp hàng thể thao châu Âu (FESI);
 
(iv) Liên đoàn Công nghiệp giầy Đức (HDS).
 
Liên minh Giày châu Âu đã ngay lập tức ra thông cáo báo chí yêu cầu Ủy ban châu Âu tôn trọng ý kiến của người tiêu dùng, các nhà nhập khẩu và bán lẻ châu Âu cũng như đa số các nước thành viên EU chấm dứt thuế chống bán phá giá giầy mũ da Trung Quốc và Việt Nam.
 
Thông cáo báo chí nêu rõ: khoảng 2000 công ty giày trên toàn EU sử dụng trực tiếp và gián tiếp 1,5 triệu người lao động EU đã yêu cầu Ủy viên về Thương mại của Ủy ban châu Âu – Peter Mandelson thực hiện đúng thỏa hiệp năm 2006 là chỉ áp thuế chống bán phá giá trong 2 năm.
 
Trong vài chục năm vừa qua, các công ty giày châu Âu đã mở rộng thành công tại châu Âu năng lực nghiên cứu và phát triển, marketing, phân phối, quảng cáo, bán lẻ và chiến lược hợp nhất toàn cầu. Các công ty giày châu Âu đã đầu tư sản xuất hiệu quả toàn cầu và mạng lưới cung cấp hàng hóa hợp với túi tiền người tiêu dùng tại cả châu Âu cũng như tại các thị trường tiêu thụ phát triển rất nhanh của các nền kinh tế đang chuyển đổi, trước hết là Trung Quốc.

Nguồn: Internet