Tại vùng biên giới Tây Nam, mỗi ngày có đến hàng ngàn tấn lúa từ Campuchia ồ ạt tràn qua các cửa khẩu của tỉnh An Giang ,đầu ra của lúa nội đã khó lại càng thêm khó.
Hiện nay, lúa đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong, năng suất đạt từ 6,2 - 6,3 tấn/ha. Trúng mùa nhưng giá lúa khá thấp nên nhiều gia đình nông dân vẫn trữ lúa trong nhà để chờ giá. Trong khi đó, các thương lái ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang túc trực sẵn tại cửa khẩu Tịnh Biên để chờ mua lúa ngoại.
Vào lúc này lúa đông xuân của nông dân Campuchia cũng đang thu hoạch rộ. Mỗi ngày lượng lúa đang được xuất khẩu ồ ạt vào thị trường An Giang với số lượng lớn, giá lúa hiện từ 3.600-3.700đồng/kg, thấp hơn lúa nội địa từ 200-300đồng/kg.
Theo nhận định của thương lái chuyên kinh doanh lúa Campuchia, đi mua lúa Campuchia tuy xa, nhưng lời gấp 3-4 lần so với mua lúa trong nước. Vào mùa này thương lái quen ở Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ và An Giang đặt mua lúa Campuchia với số lượng vài trăm tấn/ngày.
Lúa nhập khẩu từ Campuchia vào Việt Nam có 3 loại: Khaodak, Khaodakmali và lúa thơm lài, gọi chung là lúa sóc. Thị trường nội địa đang chuộng các loại gạo sóc, vì cho rằng gạo này có chất lượng ngon và nông dân Campuchia lại không phun thuốc hóa học nên bán rất chạy, dễ kiếm lời. Theo nhận định của người dân cửa khẩu Tịnh Biên, thị trường lúa ngoại sẽ còn sôi động hơn trong vài tháng tới. Chủ tịch UBND xã An Nông, huyện Tịnh Biên cho biết, những năm gần đây do Chính phủ đã cho miễn thuế 42 mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Campuchia vào Việt Nam, nên khi vào mùa thu hoạch thì thương lái trên Campuchia thường mang nông sản sang Việt Nam để bán.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp An Giang, có khoảng 60% người dân trong tỉnh dùng gạo Campuchia.
Còn theo giới kinh doanh lúa gạo thì nhu cầu tiêu thụ gạo thơm, dẻo chất lượng cao trong nước ngày càng tăng. Nhất là ở các thành phố lớn, người tiêu dùng rất chuộng loại gạo này mà nguồn cung không đủ đáp ứng nên họ tìm mua loại lúa chất lượng cao để cung cấp cho thị trường, phần lớn loại gạo này có xuất xứ từ Thái Lan và Campuchia.
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lâu nay doanh nghiệp lo chạy theo xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Chuyện lúa gạo ngoại đổ vào vựa lúa xuất khẩu của cả nước đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng gần đây mới rộ lên. Lúc đầu là do một số nông dân ở các tỉnh biên giới Tây Nam sang Campuchia thuê đất canh tác lúa, mỗi năm đem về hàng trăm tấn lúa. Sau đó diện tích trồng lúa ở Campuchia ngày càng mở rộng, năng suất cũng tăng cao nhờ áp dụng kỹ thuật trồng lúa do các kỹ sư nông nghiệp của Việt Nam qua hướng dẫn.
Ngoài ra, thị trường Việt Nam chính là nơi tiêu thụ mạnh lúa Campuchia. Tuy nhiên, do đầu ra lúa đông xuân trong nước còn đang gặp khó và lúa Campuchia tràn vào càng khiến cho ngành nông nghiệp thêm nhiều khó khăn.

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam