Bột giấy: giá sẽ tiếp tục tăng

Giá bột giấy trên thị trường thế giới đang tăng lên. Giá bột gỗ cứng đã tăng từ 550 USD/tấn đến 850 USD/tấn kể từ tháng 12/2009 lên mức 1.000 – 1.100 USD/tấn vào tháng 4/2010 và sẽ còn tiếp tục tăng.  

Sản lượng bột giấy đã giảm một nửa do chi phí gỗ tăng và động đất ở Chilê – nước sản xuất lớn nhất thế giới. Chính phủ Mỹ cũng cắt giảm 200 USD/tấn trợ cấp sản xuất kể từ ngày 1/1/2010 – càng góp phần đẩy giá tăng hơn nữa.

Giá nguyên liệu, bao gồm bột giấy và giấy, đã tăng 50 USD/tấn do nhu cầu từ Ấn Độ mạnh. Từ khi bắt đầu bước vào mùa tiêu thụ - năm học mới – giá không ngừng tăng lên. Mùa tiêu thụ cao điểm ở Ấn Độ kết thúc vào ngày 15/7.

Do giá nguyên liệu tăng, các nhà sản xuất giấy Ấn Độ có kế hoạch tăng giá thêm khoảng 5% kể từ tháng 6/2010.

Theo nguồn tin của ngành, Hiệp Hội các nhà Sản xuất Giấy Ấn Độ (IPMA) đã tổ chức họp các thành viên vào ngày 24/5/2010 tại New Delhi để tìm hướng giải quyết.

Các nhà sản xuất giấy in Ấn Độ đã tăng giá thêm khoảng 2 Rupi/kg lên 27 Rupi/kg vào tháng 4/2010.

Các nhà sản xuất giấy viết, giấy in và kraft cũng tăng giá thêm 5 – 6% để bù đắp lại việc giá nguyên liệu tăng.

Từ tháng 1 năm nay, giá nguyên liệu đã tăng ít nhất 35% đối với giấy phế liệu, lên 325 – 350 USD/tấn, trong khi giá bột gỗ cứng bán ở mức 850 USD/tấn – 900 USD/tấn.

Tương tự, giá bột gỗ mềm đạt 950 – 1.000 USD/tấn. Giá nguyên liệu đã tăng 50 – 55 USD/tấn trong tháng vừa qua. Các nhà sản xuất muốn chuyển phần chi phí tăng này sang tay người tiêu dùng.

Dầu mỏ: Giá  có thể  vượt 100 USD/thùng

Giá dầu sẽ tăng lên vượt 100 USD/thùng vào năm 2010 do kinh tế toàn cầu hồi phục đẩy nhu cầu tăng lên. Tăng trưởng của ngành lọc dầu trì trệ và  chi phí phát hiện mỏ dầu mới cao cũng như  chi phí sản xuất cao cũng sẽ hậu thuẫn giá dầu.

Giá dầu đã  đạt mức cao kỷ lục 147,27 USD/thùng vào tháng 7/2008 trước khi giảm trở lại do kinh tế toàn cầu suy thoái mạnh lần đầu tiên kể từ Thế chiến Thứ 2, làm giảm nhu cầu năng lượng. Ngày 14/5/2010, giá  dầu thô kỳ hạn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng, là 74 USD/thùng, do lo ngại cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu có thể làm hạn chế tốc độ tăng trưởng toàn cầu, và hạn chế tốc độ tăng nhu cầu năng lượng, trong khi đồng USD tăng giá làm giảm sức mua đối với những người tiêu dùng sử dụng những loại tiền tệ khác.

Do triển vọng nhu cầu giảm và nguồn cung từ ngoài khối tăng lên với tốc độ mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã điều chỉnh giảm mức dự báo về khối lượng dầu mỏ mà Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cần bơm ra trong năm 1010 đi 400.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng trước, xuống 28,7 triệu thùng/ngày để đủ đáp ứng nhu cầu trong năm nay.

Dự báo về sản lượng của các nước sản xuất ngoài OPEC - chiếm khoảng 60% tổng cung dầu thế giới - trong năm nay được điều chỉnh tăng thêm 200.000 thùng so với con số đưa ra một tháng trước, tức là cao hơn 800.000 thùng/ngày so với năm ngoái, lên trung bình 52,3 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn 200.000 thùng so với con số đưa ra một tháng trước đây.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo nhu cầu năng lượng thế  giới sẽ tăng 49% vào năm 2035 so với hiện nay. Nhu cầu năng lượng ở các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng 84%, vượt mức tăng 14% của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong đó có Mỹ, Anh và Nhật Bản.

Theo nguồn tin EIA, tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ tăng 7% so với 86,1 triệu thùng của năm 2007 và đạt 92,1 triệu thùng vào năm 2010. Tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng 28% đạt 110,6 triệu thùng vào năm 2035.

Sản lượng dầu thế  giới dự báo sẽ tăng 25,8 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ  hiện chiếm 40% tổng sản lượng.  

Phân bón: giá sẽ không tăng mạnh trong năm nay

Trên thị trường thế giới giá phân bón được dự báo sẽ khó tăng theo giá xăng dầu do nguồn cung luôn vượt cầu. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới (WB) còn cho rằng năm 2010, giá các loại phân DAP, Kali và Ure sẽ lần lượt giảm khoảng 7,1%, 36,5% và 10% so với mức giá trung bình của năm 2009, xuống còn tương ứng là 300USD/tấn, 400USD/tấn và 225USD/tấn.
Tại Trung Quốc, từ đầu năm đến nay do nhu cầu phân bón cho vụ xuân giảm sút bởi ảnh hưởng của thời tiết. Trong khi nguồn cung tương đối dồi dào đã khiến cho giá phân bón tại nước này giảm mạnh và lượng phân bón tồn kho từ các doanh nghiệp là khá lớn.

Polyethylene: Dự báo giá tại Đông Nam Á sẽ tiếp tục ở mức cao

Dự báo giá polyethylene sẽ tăng khoảng 40 – 50 USD/tấn trong năm 2010 so với năm 2009. Giá PE tại Trung Quốc đã tăng từ giữa tháng 12, với LDPE và LLDPE tăng khoảng 70 USD/tấn. Giá chào bán PE của Trung Quốc ra thị trường thế giới tăng khoảng 15 – 45 USD, do giá dầu thô và ethylene tăng.

Theo hiệp định tự do thương mại Asean + 6, bắt đầu từ ngày 1/1/2010, nhiều mặt hàng giao dịch giữa các quốc gia có liên quan sẽ được giảm hoặc miễn thuế. Polymers nằm trong số những mặt hàng được miễn thuế. Tuy nhiên, dự báo chi phí sản xuất sẽ tăng vào tháng 1 năm tới, và lượng mua từ Trung Quốc sẽ tăng lên.

Xi măng: Tiêu thụ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng

Tiêu thụ xi măng thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 10 năm tới, từ mức 2.283 triệu tấn năm 2005 lên khoảng 3.130 triệu tấn năm 2015 và tiếp tục tăng lên mức 3.460 triệu tấn vào năm 2020, tăng tổng cộng khoảng 56% trong vòng 15 năm.

Thị trường xi măng thế giới liên tục tăng trưởng kể từ những năm 1970. Giai đoạn 2005 – 2010, thị trường này tăng trung bình 5,75% mỗi năm, tương đương 124 triệu tấn. Tính chung trong khoảng thời gian đó, mức tăng ước đạt 633 triệu tấn, trong đó khoảng 70% (440 triệu tấn) đến từ khu vực Đông Á, và khoảng 76 triệu tấn đến từ các nước Châu Á khác.

Tăng tiêu thụ ở các khu vực khác sẽ gồm 7 triệu tấn ở khu vực Trung/Nam Mỹ, 44 triệu tấn ở khu vực Châu PHi/Trung Đông, 48 triệu tấn ở Châu Âu và 20 triệu tấn ở Bắc Mỹ.

Tỷ lệ mậu dịch trong sản lượng và tiêu thụ xi măng thế giới tương đối thấp, chỉ khoảng 6 đến 7% trong những năm hiện tại. Điều này có liên quan chặt chẽ tới các yếu tố như giá trị thấp so với các hàng hoá khác, nguồn cung nguyên liệu dồi dào, việc vận chuyển không thuận tiện do cồng kềnh, và mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ xi măng - tất cả những yếu tố này tạo điều kiện cho sản xuất trong nước hơn là phụ thuộc vào nhập khẩu.

Mặc dù vậy, tổng khối lượng mậu dịch xi măng liên tiếp tăng trong 35 năm qua, từ mức 20 triệu tấn năm 1970 lên 71 triệu tấn năm 1990, 155 triệu tấn năm 2005, và dự kiến sẽ tăng lên 185 triệu tấn năm 2010, trong đó khoảng 2/3 là xi măng thành phẩm, và 1/3 là clinker.

Hầu hết mức tăng mậu dịch những năm gần đây là bởi tăng nhập khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, mậu dịch tăng ở Châu Âu, Trung Đông và Châu Á cũng góp phần quan trọng vào tăng mậu dịch xi măng toàn cầu.

Than đá: Nhu cầu từ Châu Á tiếp tục hậu thuẫn giá

Giá than đá trên thị trường thế giới năm nay sẽ được nâng đỡ bởi triển vọng nhu cầu khả quan từ Trung Quốc và nhiều nước Châu Âu khác do sản lượng điện tăng mạnh, mặc dù nhu cầu giảm ở Châu Âu. Kinh tế thế giới hồi phục đang hậu thuẫ giá than.

6 nhà phân tích của Reuters dự kiến giá than đốt nhiệt, sử dụng trong các nhà máy điện, sẽ tăng từ 5% đến 20% so với mức năm nay.

Giá than đá đã tăng từ mức thấp chỉ 75 USD/tấn giữa tháng 12/2009 lên 97 USD/tấn vào đầu tháng 1/2010, với tốc độ tăng vượt xa các thị trường năng lượng khác.

Trong bối cảnh nhu cầu mạnh tại Châu Á và cước phí vận tải giảm, các nước cung cấp than đá truyền thống đang hạn chế lượng cung sang Châu Âu. Nga thông báo đã đóng cửa một số mỏ để làm giảm tốc độ xuất khẩu sang Châu Âu. Nam Phi chuyển hướng thị trường từ Châu Âu sang Châu Á – Thái Bình Dương. Trong năm 2009, 31% xuất khẩu than đá của Nam Phi sang Ấn Độ, trong khi những năm trước đó là con số 0. Xu hướng này càng rõ nét trong những tháng vừa qua. Mặc dù khối lượng chưa lớn, Nam Phi cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Tương tự, Colombia, nước thường xuất khẩu 50 – 60% sang Châu Âu và phần còn lại sang Mỹ, hiện cũng đang chuyển hướng quan tâm sang Châu Á. Tháng 12/2009, lần đầu tiên trong lịch sử, Colombia đã xuất khẩu than sang Trung Quốc, mặc dù khối lượng chưa nhiều, khoảng 1,5 – 1,7 triệu tấn. Cước phí vận tải giảm mạnh đang giúp cho xu hướng này mạnh lên. Một khi cước phí vận tải tăng lên, khả năng vào cuối năm nay khi nhu cầu hàng hoá hồi phục theo chu kỳ, xuất khẩu than đá từ Châu Phi sang Châu Á có thể sẽ chậm lại đáng kể.

Nhìn chung, triển vọng thị trường than đá vẫn rất khả quan. Dự kiến Trung Quốc sẽ tăng cường mua than qua đường biển và bởi đồng Nhân dân tệ chắc chắn sẽ được định giá lại vào giữa năm nay. Việc đồng NDT tăng giá sẽ kéo giá than nhiệt tăng theo. Những nước khác như Mêhicô và Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường nhập khẩu than đá. Ấn Độ tiếp tục thiếu cung mặt hàng này và sẽ phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài qua đường biển.

(Vinanet)