Để không xảy ra thiếu điện trong năm 2009, dự kiến tốc độ tăng trưởng của ngành điện phải tăng gấp đôi GDP, tức là khoảng 13%. Cụ thể là cả nước cần khoảng 86,6 tỷ kWh, trong đó riêng mùa khô phải bảo đảm được khoảng 41,7 tỷ kWh.
Năm 2009, ngành điện dự kiến sản xuất khoảng 83,28 tỷ kWh điện. Trong đó, điện do EVN sản xuất khoảng 57,44 tỷ kWh và điện mua từ các đơn vị ngoài EVN khoảng 25,84 tỷ kWh. Sản lượng điện thương phẩm khoảng 74,9 tỷ kWh. Như vậy là giữa “cung” và “cầu” vẫn còn thiếu hụt, tuy nhiên khoảng thiếu hụt này là không lớn và lãnh đạo EVN cam kết sẽ cân đối để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và các nhu cầu thiếu yếu của xã hội.
Khó khăn lớn nhất đối với ngành điện là cung ứng đủ điện cho miền Bắc. Miền Bắc hiện chưa có đủ nguồn điện để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao. Để giải tỏa “cơn khát điện” của phía Bắc, năm 2009, ngành điện sẽ truyền tải chừng 30 triệu kWh/ngày từ miền Nam ra. Điều này sẽ gây áp lực cho đường dây 500 KV Bắc Nam.
Sở dĩ, mùa khô năm nay nguồn điện dồi dào hơn các năm trước là bởi trong năm 2008 vừa qua, mặc dù gặp không ít khó khăn từ chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát nhưng tổng vốn đầu tư của EVN vẫn đạt 38.354 tỷ đồng. EVN đã cùng với đơn vị ngoài đưa vào vận hành các nhà máy mới với công suất là 2.152 MW, trong đó riêng EVN là 852 MW.
Vốn đầu tư xây dựng của ngành điện trong năm 2009 là khoảng 50.000 tỷ đồng. Cả nước sẽ đưa vào vận hành 15 nhà máy mới với tổng công suất là 3.570 MW, trong đó EVN đưa vào 9 nhà máy với tổng công suất 2.696 MW. Cũng trong năm nay, EVN sẽ tập trung đẩy nhanh tốc độ để có thể khởi công 4 nhà máy mới là Mông Dương 1, Mỹ Sơn 1, Mỹ Sơn 2 và Duyên Hải 1.
Bộ Công thương khuyến cáo EVN cần tăng thêm lượng điện mua ngoài của các dự án BPT, IPP (trong đó có khoảng 10 tỷ kWh của các Nhà máy Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; 2,4 tỷ kWh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) và điện của Trung Quốc để bảo đảm cung cấp điện tốt hơn năm 2008.
Thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội mà Chính phủ giao, đến nay EVN đã cung cấp điện cho 100% số huyện, hơn 94% số hộ dân nông thôn. EVN phấn đấu từ nay đến 2010 sẽ bán lẻ điện đến tất cả các hộ dân nông thôn với giá ưu đãi.
Tăng giá: Cần có thời điểm và mức tăng hợp lý
Để có đủ vốn đầu tư, năm 2009, EVN sẽ phải đẩy mạnh một số giải pháp về tài chính. Cụ thể là tập đoàn kinh tế nhà nước này sẽ bán bớt cổ phần của một số nhà máy điện như Thác Bà, Phả Lại…, tiếp cận vốn vay ODA, vốn từ phát hành trái phiếu, vay thương mại, tăng cường vay vốn từ các tổ chức nước ngoài, đấu thầu EPC nhiều dự án… Đặc biệt, trong năm 2009, EVN sẽ báo cáo Chính phủ cho phép thành lập các công ty cổ phần để triển khai các dự án, trong đó vốn của EVN khoảng 30%, 70% còn lại sẽ huy động từ các nguồn cả trong và ngoài nước.
Trong năm 2008, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nên EVN đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh điện. Cụ thể, trong quý 1-2008, tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn tập đoàn tăng 19,8%, trong đó điện dành cho công nghiệp tăng 24%. Tuy nhiên, đến quý 4-2008, tổng sản lượng điện thương phẩm chỉ còn tăng 9%, trong đó điện cho công nghiệp chỉ còn tăng 3,78%. Đặc biệt, trong tháng 12-2008, tổng sản lượng điện thương phẩm chỉ tăng 7,3% và điện cho công nghiệp đã giảm xuống âm 2,3%.
Theo kế hoạch, trong năm 2008 tập đoàn phải bảo đảm được khoảng 77,2 tỷ kWh điện, trong đó điện do tập đoàn sản xuất là khoảng 53 tỷ kWh và mua ngoài khoảng 24 tỷ kWh. Tuy nhiên, EVN chỉ đạt mục tiêu về điện sản xuất trong năm 2008, còn điện mua ngoài chỉ đạt 20 tỷ kWh. Chính vì vậy, việc dư luận cho rằng, tình trạng thiếu điện trong năm 2008 do EVN không chịu mua điện của bên ngoài là “oan” cho EVN. Các chuyên gia cho rằng một nguyên nhân tế nhị khiến EVN “ngại” mua điện từ các nhà máy ngoài EVN bởi phải mua vào với giá cao và bán ra với giá thấp hơn (theo mức giá do Chính phủ quy định). Trong năm 2008, thậm chí có thời điểm EVN than thở “lỗ nặng” do phải mua điện từ các nhà máy điện chạy dầu với giá 2.000 đồng/kWh.
Để tháo gỡ vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ký trình đề án “Giá điện 2009 và các năm 2010-2012 theo cơ chế thị trường” để Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đề xuất hai mức tăng giá điện bình quân, mức thấp khoảng 8,3% trong năm 2009, mức cao là hơn 9,5% (giá bán điện bình quân hiện nay 860đ/kWh).
Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu, tờ trình của Bộ Công thương nêu rất rõ mức tăng, thời điểm và có tính đến tất cả yếu tố tác động. Tuy nhiên, mức tăng và thời điểm áp dụng sẽ do Thủ tướng quyết định. Mức đề xuất trên của Bộ Công thương đã thấp hơn mức đề nghị của EVN (EVN đề nghị tăng giá điện từ 15% đến 20%).
Tăng giá điện rõ ràng là một hệ quả khách quan, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, mức tăng và thời điểm tăng thế nào cho hợp lý rõ ràng là vấn đề mà cả xã hội quan tâm, theo dõi sát sao. Bởi, nền kinh tế Việt Nam đang nỗ lực trên mặt trận chống suy giảm, chỉ thêm một yếu tố bất lợi vào những thời điểm nhạy cảm sẽ có tác động rất lớn.

Nguồn: Quân đội nhân dân