Năm 2008, doanh thu của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) đạt 5.672,5 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm 2008 và bằng 124% so với năm 2007. Sản lượng giấy tăng 10,4% so với sản xuất năm 2007, lợi nhuận tăng 45% so với năm trước. Doanh thu xuất khẩu của tổng công ty đạt khoảng 36 triệu USD.
Hiện Vinapaco đang tích cực áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, giảm chi phí, hạ giá thành. Hoàn thiện quản lý theo ISO 9001-2000, mở rộng phạm vi sử dụng, đa dạng nguyên liệu, nghiên cứu tìm kiếm thêm các loài và giống cây trồng mới có năng suất và hàm lượng xơ sợi cao; tiếp tục nâng cao tỷ lệ nội địa hoá vật tư, nguyên liệu đầu vào để tránh áp lực tăng giá của nguyên liệu nhập khẩm, giảm chi phí đầu vào trong sản xuất.
Vinapaco mở rộng diện tích rừng trồng sang các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, đồng thời đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư, phát hành cổ phiếu, tham gia liên doanh, liên kết với các công ty trong và ngoài nước...
Riêng giai đoạn 2003- 2008, Vinapaco đã chi gần 400 tỷ đồng cho các giải pháp bảo vệ môi trường. Hiện tại các thông số thải từ lò thu hồi của Vinapaco đều đạt chuẩn môi trường TCVN 5939:2005. Dự kiến, giai đoạn tới, tổng công ty sẽ tiếp tục giám sát các nguồn thải ra môi trường để chủ động có phương án phòng ngừa và xử lý kịp thời, thực hiện sản xuất sạch ở các phân xưởng, bảo dưỡng kiểm định thường xuyên các hệ thống thiết bị máy móc... Vinapaco cũng dự định đầu tư gần 3.500 tỷ đồng xử lý các biện pháp kỹ thuật để giải quyết vấn đề môi trường.
Ngoài những khó khăn chung do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành giấy còn có những khó khăn riêng do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Để đảm bảo các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, Vinapaco đang kiến nghị Nhà nước cho các hộ trồng rừng được vay tối đa 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án và được trả lãi vào cuối kỳ kinh doanh cây nguyên liệu. (Mức vay hiện nay là 10 triệu đồng/ha/7 năm, mới đạt khoảng 31% nhu cầu vốn, chủ đầu tư lại phải trả lãi vay hàng năm nên rất khó khăn).
Vinapaco cũng đề nghị Bộ Tài chính giữ nguyên mức thuế nhập khẩu giấy các nước ngoài Asean theo đúng lộ trình, tăng mức thuế nhập khẩu giấy từ các nước Asean từ 0% lên 5%; giảm thuế GTGT từ 10% xuống 0% để khuyến khích thu mua giấy lề, giấy loại trong nước; giảm thuế GTGT của giấy in viết từ 10% xuống 5% và giấy in báo từ 5% xuống 0% để giúp ngành giấy thoát khỏi khó khăn trong thời kỳ khủng hoàng kinh tế; kiến nghị các bộ quản lý sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy cho phù hợp; và đề nghị Chính phủ hỗ trợ từ gói kích cầu đầu tư của Chính phủ qua lãi suất cho vay đầu tư và trồng rừng sản xuất.