1. Lưu trữ  
Chuyên gia phân tích Mark Raskino của Gartner cho biết các thiết bị và phần mềm giải pháp có liên quan đến vấn đề lưu trữ dữ liệu doanh nghiệp đứng đầu danh sách các sản phẩm CNTT sẽ bán rất tốt dù bất cứ điều tệ hại nhất nào có thể xảy ra. IDC tiếp tục dự đoán mức chi tiêu cho các sản phẩm ổ cứng lưu trữ tiếp tục tăng gấp đôi mỗi hai năm, ít nhất cho đến năm 2012.  
Theo Steve Minton, Phó chủ tịch thị trường CNTT thế giới của IDC, một trong những lĩnh vực phát triển khác là “các công cụ quản lý lưu trữ giúp các công ty sử dụng các thiết bị phần cứng tốt hơn”.
Còn Giám đốc CNTT Threadgill của công ty Morgan Keegan cho biết, vấn đề lưu trữ sẽ nằm trong danh sách ưu tiên được đầu tư của công ty đầu tư ngân hàng này trong năm 2009.   
2. Giải pháp quản trị thông minh  
Business Intelligence – BI (tạm dịch là giải pháp quản trị doanh nghiệp thông minh) là một hệ thống báo cáo phân tích cho phép các doanh nghiệp khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau về khách hàng, thị trường, nhà cung cấp, đối tác, nhân sự... và phân tích, sử dụng các dữ liệu đó thành các nguồn thông tin  có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc ra quyết định.  
Thông thường cấu trúc một bộ giải pháp BI đầy đủ gồm một kho dữ liệu tổng hợp (data warehouse) và các bộ báo cáo, bộ chỉ tiêu quản lý hiệu năng doanh nghiệp (Key Perfomance Indicators – KPIs), các dự báo và phân tích giả lập (Balance Scorecards, Simulation and Forecasting...).  
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, việc khai thác các dữ liệu này chưa được chú trọng nên chỉ dừng ở các yêu cầu kết xuất báo cáo nghiệp vụ đơn thuần của các phòng ban. Khá nhiều thông tin  quan trọng với người ra quyết định và lập kế hoạch chiến lược đã bị bỏ qua do thiếu công cụ tổng hợp, phân tích, “móc nối” các dữ liệu  này, hoặc do người lãnh đạo không nhìn nhận khả năng này nên không đặt ra yêu cầu với hệ thống CNTT. Xét ở góc độ đầu tư thì đây là sự lãng phí  lớn.  
Trên thực tế, BI cần cho mọi doanh nghiệp có nhu cầu tích hợp dữ liệu và phân tích  thông tin. Đối với nhà quản lý, đây là hệ thống  phân tích hoạt động doanh nghiệp chính xác và toàn diện nhất do thông tin được tổng hợp từ nhiều nguồn trong doanh nghiệp.  
Trong nhiều trường hợp, nếu không sử dụng BI, doanh nghiệp sẽ không có được các kết quả ngay, thậm chí có thể tốn kém một khoản chi phí cho việc khảo sát, nghiên cứu, tìm tòi mới có được kết quả. Với BI, doanh nghiệp dễ dàng có ngay thông tin phân tích quản lý, để trả lời các câu hỏi như: “Khách hàng quan trọng  nhất của doanh nghiệp hiện nay là ai?”; “Thị trường nào đang mang lại tỷ trọng lợi nhuận chính?”...  
Các nhà phân tích ở Forrester, Gartner và IDC đều đồng ý rằng khi dữ liệu được tích lũy ngày càng nhiều, các CIO sẽ cần chi phí nhiều hơn cho các dịch vụ BI từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Và báo cáo phân tích nào giúp công ty nhận diện và duy trì được càng nhiều khách hàng lớn nhất sẽ giành được nhiều lợi thế.  
3. Ảo hóa   
Virtualization (ảo hóa) được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây vì những hứa hẹn về các lợi ích cho các doanh nghiệp sử dụng và giảm chi phí đầu tư cho phần cứng hệ thống. Tuy nhiên, Andrew Reichman thuộc hãng Forrester khẳng định ảo hóa đặt ra nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp hơn là việc giảm chi phí đầu tư cho phần cứng. Transplace – một nhà cung cấp dịch vụ hậu cần vận tải trị giá 2,5 tỷ đô-la Mỹ – cho biết đang hoàn tất việc ảo hóa 90% hạ tầng và bắt đầu thu lợi từ nó.  
“Ảo hóa cho phép chúng tôi tiết kiệm nguồn năng lượng, thời gian mà nhân viên CNTT của công ty phải dành cho việc theo dõi, quản lý máy chủ. Tôi nghĩ rằng, việc ảo hóa giúp chúng tôi sử dụng thời gian uyển chuyển hơn trong thời điểm kinh doanh đầy thách thức sau khủng hoảng kinh tế. Điều này có giá trị cao hơn nhiều so với tiền tiết kiệt từ việc giảm chi phí đầu tư phần cứng,” Giám đốc CNTT Biddlecombe của công ty Transplace nói.  
4. Bảo mật  
Không có gì đáng ngạc nhiên khi bảo mật được lọt vào danh sách ưu tiên đầu tư này. Theo hãng IDC, bảo mật “luôn là mối quan tâm hàng đầu của các công ty CNTT”. Các công ty sẽ quan tâm đến một danh sách cụ thể các nội dung sản phẩm lẫn các giải pháp cần bảo mật cho công ty.  
“Cho dù công ty của bạn có bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng hay không, bạn cũng phải cần đến các giải pháp bảo mật cho nguồn thông tin doanh nghiệp. Đơn giản là không có doanh nghiệp nào muốn lên trang nhất của tờ The Wall Street Journal vì sợ dữ liệu của doanh nghiệp bị rò rỉ hay mất cắp,” cố vấn Minton của IDC nói.  
Trong danh sách ưu tiên đầu tư CNTT, CIO Threadgill của công ty Morgan Keegan nói rằng bảo mật đứng ở vị trí ưu tiên số 2 sau lưu trữ. Các công nghệ bảo mật, tường lửa, công cụ phục hồi dữ liệu, mã hóa dữ liệu cho thiết bị di động và điều khiển máy tính từ xa sẽ được các doanh nghiệp chi nhiều tiền hơn.  
5. Điện toán đám mây  
Các nhà phân tích từ Forrester, Gartner và IDC đều có chung một quan điểm cho rằng Cloud Computing – điện toán đám mây – sẽ tiếp tục phát triển bất chấp thời kỳ suy thoái kinh tế diễn ra bao lâu. Con số dự đoán mà IDC đưa ra rất lạc quan: dịch vụ điện toán đám mây chiếm 9% hoặc 10% trong chi tiêu CNTT của các doanh nghiệp vào năm 2012, tăng  từ con số  4% của năm nay.  
Hiện nay, nhiều công ty tìm kiếm ở các “đám mây” các phần mềm ứng dụng phù hợp với nhu cầu cũng như các dịch vụ khác giúp họ thực hiện việc kinh doanh của mình. Đa phần những khách hàng này thuộc các công nghệ mới tìm đến các dịch vụ đám mây này. Vì vậy, nhiều nhà phân tích vẫn còn tranh cãi về khả năng phát triển của các dịch vụ đám mây vì đối tượng khách hàng hạn chế.  
Đó là chưa kể đến những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp khi sử dụng các dịch vụ đám mây. Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận được sự tiện lợi và hiệu quả về kinh tế nhờ giá cả dùng dịch vụ thấp ở những dịch vụ lưu trữ và sao lưu dữ liệu trên nền điện toán đám mây hiện có. Đây cũng chính là điều khiến điện toán đám mây sẽ được đưa vào danh sách ưu tiên xem xét và chọn lựa của các doanh nghiệp vào thời điểm kinh tế suy thoái.  
TBKTSG

Nguồn: Internet